Thị trường

Lực bán áp đảo quay lại thị trường nguyên liệu thế giới

Lam Giang 24/07/2024 - 08:59

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa giao dịch hôm qua (23-7), lực bán áp đảo đã quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.

Chỉ số MXV-Index giảm 0,98%, xuống còn 2.160 điểm chỉ sau một ngày giá phục hồi tích cực.

24.7-2-cn.png
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp ngày 23-7. Nguồn: MXV

Sau phiên khởi sắc đầu tuần, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm lần lượt 1,63% với Arabica và 2,18% với Robusta.

Chỉ số Dollar Index tăng 0,13% khiến tỷ giá USD/BRL tăng 0,12%, quay lại mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Sức mạnh đồng USD tăng so với đồng Real đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil, từ đó gây sức ép lên giá.

Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 cũng nối dài đà giảm sang phiên thứ 6 liên tiếp, về mức giá thấp nhất trong gần hai năm.

Thị trường tiếp tục neo theo triển vọng nguồn cung đường tích cực hơn tại Ấn Độ và Thái Lan, thay vì những tín hiệu kém về mùa vụ mía tại Brazil. Giới phân tích đang có xu hướng nâng triển vọng nguồn cung đường vụ 2024-2025 tại Ấn Độ do thời tiết tại nước này đang khá thuận lợi.

24.7-1-kl.png
Bảng giá kim loại ngày 23-7. Nguồn: MXV

Kết thúc ngày giao dịch 23-7, sắc đỏ bao trùm gần hết thị trường kim loại (ngoại trừ bạc).

Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường bạch kim trong hầu hết phiên hôm qua do bị sức ép từ việc mạnh lên của đồng USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng hạn chế mua mới khi thị trường chuẩn bị đón nhận hai dữ liệu kinh tế quan trọng là báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II và chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ. Đóng cửa, giá bạch kim giảm nhẹ 0,08%, xuống còn 955 USD/ounce.

Giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ 7 liên tiếp, chốt phiên tại mức 9.172 USD/tấn sau khi giảm 0,88%. Nhu cầu tiêu thụ đồng ảm đạm tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ hơn một nửa đồng của thế giới vẫn đang gây sức ép lên giá đồng.

Giá quặng sắt lao dốc gần 2,8%, xuống mức xấp xỉ 100,6 USD/tấn, nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Sự suy yếu của giá quặng sắt diễn ra trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc có “triển vọng ảm đạm”.

Cùng chung diễn biến, giá nhôm LME nối dài đà giảm sang phiên thứ sáu liên tiếp do nhu cầu tiêu thụ còn hạn chế, trong khi nguồn cung liên tục tăng mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lực bán áp đảo quay lại thị trường nguyên liệu thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.