(HNMO) - Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong ngày thứ 5 đã kết thúc vào 18h40 ngày 12-1.
Bị cáo Phùng Đình Thực. Ảnh theo Zing |
Theo quan điểm buộc tội của đại diện VKS, bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, mặc dù biết rõ Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) không đủ năng lực và kinh nghiệm nhưng vẫn cùng Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐTV PVN) và Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) chỉ đạo việc ký Hợp đồng EPC số 33 trái quy định.
Ngoài ra, Phùng Đình Thực còn chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
Đại diện VKS cho rằng tại phiên xét xử, bị cáo Phùng Đình Thực cho là sau này mới biết Hợp đồng EPC 33 không đúng quy định và không chỉ đạo việc tạm ứng tài chính. VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo mức án từ 12-13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, luật sư Đinh Anh Tuấn nêu một số tình tiết gỡ tội cho thân chủ. Cụ thể, ngày 10-9-2010, ông Phùng Đình Thực đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án nhiệt điện than do ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN làm Trưởng ban). Trong đó, ông Thực yêu cầu Ban này xây dựng phương án liên doanh tổng thầu cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vì nhận thấy PVC chưa đủ kinh nghiệm làm tổng thầu. Đó là cơ sở để ngày 15-10-2010, ông Đinh La Thăng lại ký nghị quyết phê duyệt phương án liên danh tổng thầu EPC.
Cũng theo luật sư, bị cáo Thực không nhận được các văn bản báo cáo chuyển đổi công nghệ cũng như các thủ tục liên quan gói thầu EPC.
Về việc ông Phùng Đình Thực có biết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định hay không, luật sư Tuấn cho rằng, có 2 trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, có thể ông Thực kết hợp với ông Đinh La Thăng ký hợp đồng EPC một cách hình thức, với mục đích để khởi công dự án.
Tuy nhiên trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào cho phép nhận định bị cáo Thực đã tự chỉ đạo hoặc kết hợp với bị cáo Thăng cùng chỉ đạo 2 đơn vị thành viên ký một hợp đồng chỉ đạt yêu cầu về hình thức.
Trường hợp thứ hai, bị cáo Thực không chỉ đạo ký Hợp đồng EPC số 33, nhưng sau đó có biết cấp dưới đã trót làm sai nhưng không chỉ đạo khắc phục mà vẫn cho thực hiện hợp đồng này.
Với giả định này, luật sư Tuấn nêu nhiều luận điểm khẳng định, trước ngày 16-6-2011, ông Phùng Đình Thực không biết Hợp đồng EPC số 33 không có giá trị pháp lý.
Trên cơ sở đó, luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định, bị cáo Phùng Đình Thực không cố ý làm trái khi ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh ký Hợp đồng số 4194 (tiếp nối Hợp đồng EPC số 33). Luật sư cũng mong muốn Hội đồng xét xử xem xét đến các thành tích, nghiên cứu khoa học của bị cáo Phùng Đình Thực đối với ngành Dầu khí khi quyết định mức hình phạt.
Bị cáo Vũ Hồng Chương. Ảnh theo Zing |
Cũng trong chiều nay, các luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban QLDA) và Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 cho rằng, hành vi của bị cáo Chương không thuộc nhóm nguy hiểm cho xã hội và đề nghị xem xét cho bị cáo Chương được miễn hình phạt.
Luật sư cũng đề xuất miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Văn Nguyên vì lý do tương tự...
Theo quan điểm buộc tội của VKS, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Vũ Hồng Chương cùng với Trần Văn Nguyên biết rõ Hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định, việc lãnh đạo PVN chỉ đạo Ban QLDA tạm ứng cho PVC là trái quy định nhưng vẫn lập các thủ tục chi tạm ứng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng tiền sai mục đích.
Mức án đề nghị của VKS với cả hai bị cáo đều từ 2-3 năm nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 4-5 năm.
Trước đó, sáng cùng ngày, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đều cho rằng thân chủ của mình không cố ý làm trái các quy định pháp luật, không chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) ký hợp đồng EPC.
Cho đến thời điểm hiện tại, gia đình Trịnh Xuân Thanh đã nộp đủ 4 tỷ đồng bị cáo buộc tham ô cho Cục thi hành án TP Hà Nội. Các luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản đứng tên con trai Trịnh Xuân Thanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.