(HNM) - Đó là phản ánh của Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Chiến tại hội thảo kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Quỹ hợp tác quốc tế về pháp luật của CHLB Đức tổ chức ngày 9-6.
Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, phán xét của tòa án có chính xác, khách quan và đúng pháp luật hay không, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có được bảo đảm hay không, không chỉ phụ thuộc trên cơ sở điều tra, truy tố mà còn là kết quả bào chữa của luật sư. Tuy nhiên, khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, luật sư chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được điều tra viên đồng ý.
Trong một số vụ án, mặc dù luật sư đã cất công đi tìm chứng cứ mới, có giá trị chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ, nhưng lại không được hội đồng xét xử chấp nhận, dẫn đến phán quyết của tòa án chưa xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa...
Do đó, trong thời kỳ đẩy mạnh cải cách tư pháp như hiện nay, cần chú ý hơn nữa đến vai trò của luật sư trong việc góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý. Đồng thời, phải có cơ chế bảo đảm trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận và xem xét đánh giá chứng cứ của luật sư cung cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.