Xã hội

Phát huy vai trò tự quản của luật sư

Hà Phong 05/01/2024 - 07:41

Qua hơn 15 năm thi hành, Luật Luật sư đã đi vào cuộc sống. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư không những góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Song thực tế cũng đòi hỏi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư thành viên cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tự quản nhằm xây dựng các giá trị chuẩn mực, phát triển đội ngũ luật sư không chỉ tăng về số lượng, mà còn mạnh về chất lượng.

dai-dien-doan-luat-su-thanh.jpg
Đại diện Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tập huấn nghiệp vụ cho người hành nghề luật sư và thực tập sinh về kỹ năng tư vấn hợp đồng kinh tế.

Số vụ án có luật sư tăng theo từng năm

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng cho biết, sau hơn 15 năm thi hành Luật Luật sư, từ 4.161 luật sư năm 2007, đến nay cả nước có 17.284 luật sư. Trong đó, riêng thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm trung bình có hơn 1.000 luật sư mới. Với quy định mở rộng phạm vi hành nghề, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số vụ án, vụ việc có sự tham gia của luật sư tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế tăng theo từng năm.

Nhiều tổ chức hành nghề luật sư có xu hướng “quốc tế hóa”, tuyển dụng luật sư nước ngoài làm việc, vươn ra nhiều nước trong khu vực để chiếm lĩnh thị phần liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại, hay phục vụ nhu cầu giao dịch đầu tư, mua bán, sở hữu trí tuệ, hàng hải, logistics của doanh nghiệp trong nước.

Chất lượng tham gia tố tụng của luật sư cũng có tiến bộ rõ rệt, nhiều ý kiến tranh luận của luật sư đã được Hội đồng xét xử ghi nhận, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu oan sai trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương đã tập trung xây dựng, hoạch định chính sách phát triển nghề luật sư, hoàn thiện thể chế và tranh thủ nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển nghề luật sư. UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đến nhiệm vụ quản lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương.

Nâng cao trách nhiệm tự quản

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, so với các quốc gia phát triển trên thế giới, nghề luật sư ở Việt Nam còn có khoảng cách khá lớn. Đánh giá của Bộ Tư pháp cũng cho thấy, số lượng luật sư so với dân số còn thấp và có sự phân bổ không đồng đều giữa các khu vực.

Một số luật sư chưa thực sự quan tâm và có ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của Luật Luật sư, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp. Qua 2.084 đơn, thư có nội dung khiếu nại, tố cáo, các đoàn luật sư có liên quan đã xóa tên 539 luật sư, xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác (tạm đình chỉ tư cách thành viên, cảnh cáo, khiển trách) 105 trường hợp.

Mới đây nhất, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử 2 luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội là Nguyễn Thiện Hiệp và Nguyễn Quang Trung vì đưa thông tin gian dối khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho hay, để phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Luật Luật sư đã giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước như: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra kết quả hành nghề luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Tuy nhiên, “vai trò tự quản” này vẫn có điểm chưa phù hợp. Đặc biệt, công tác chỉ đạo giải quyết các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp còn chưa quyết liệt, dứt điểm.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Huỳnh Tho, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quy định của Luật Luật sư “hết sức mờ nhạt” khi phân định trách nhiệm của Đoàn Luật sư trong phát huy vai trò tự quản.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu quan điểm, Luật Luật sư nên sửa đổi trong tổng thể mối liên thông với sửa đổi các bộ luật tố tụng, gắn với mô hình tố tụng lịch sử Việt Nam, đặc biệt xác định địa vị pháp lý của luật sư trong xã hội và trong tố tụng để bảo đảm nâng cao vai trò luật sư, đóng góp cho mục tiêu bảo vệ công lý cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể trong xã hội.

Về mô hình quản lý luật sư, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài, để giải quyết hài hòa “bài toán” này, Nhà nước cho chủ trương hoàn thiện về mặt luật pháp, còn phần thuộc về tự quản, liên đoàn hay các đoàn luật sư địa phương phải xây dựng quy chế vận hành, bộ quy tắc đạo đức, coi đây là yếu tố để thể hiện năng lực tự quản…

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, khi sửa Luật Luật sư, tổ chức hành nghề phải là một thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Thịnh cũng chỉ rõ lý do các tổ chức hành nghề luật sư hiện nay không báo cáo hoạt động các đoàn luật sư bởi luật quy định tổ chức hành nghề luật sư thuộc Sở Tư pháp quản lý.

“Tôi đề nghị khi sửa Luật Luật sư cần bàn kỹ cái gì Nhà nước quản lý, cái gì tổ chức xã hội - nghề nghiệp phải tự quản và cái gì phải kết hợp. Có như vậy, mới mở đường cho sự phát triển của luật sư về số lượng và mạnh về chất lượng", ông Đỗ Ngọc Thịnh nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò tự quản của luật sư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.