Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật phải bảo đảm chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội

Nguyên An| 25/05/2015 05:42

(HNM) - Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, một trong những vấn đề được đông đảo cử tri, đặc biệt là người lao động hết sức quan tâm là việc đưa ra sửa đổi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Căn cứ đề xuất sửa đổi Điều 60 được dựa trên tinh thần tôn trọng quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH của người lao động, cũng như đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn sau khi nghỉ việc không tiếp tục tham gia thị trường lao động và cũng không có khả năng, nguyện vọng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện... Trước đó, đa số thành viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tán thành với đề xuất (sửa đổi Điều 60) của Chính phủ theo hướng trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH. Mặc dù còn một số ý kiến khác nhau, song qua các phiên thảo luận của Quốc hội, có thể thấy hầu hết đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi.

Điều đáng nói ở đây là Luật BHXH mới được thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ ngày 20-10 đến 28-11-2014) và phải tới ngày 1-1-2016, luật mới có hiệu lực thi hành. Trong khi luật còn chưa có hiệu lực thì thời gian qua, không ít vụ việc đã phát sinh, điển hình là người lao động tại một số địa phương đã ngừng việc để "bày tỏ sự không đồng tình". Tức là hoạt động xây dựng luật, cũng như chất lượng luật có vấn đề.

Liên quan chất lượng xây dựng luật, có thể kể đến một trường hợp khác: Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2015. Một trong những điểm đáng chú ý là Luật BHYT sửa đổi quy định người dân bắt buộc mua bảo hiểm y tế theo

hộ gia đình, với mức đóng được giảm dần. Tuy nhiên, những người tham gia xây dựng luật đã không lường hết được những vướng mắc phát sinh với quy định này. Chẳng hạn, theo quy định, một người đang tham gia BHYT vẫn có tên trong sổ hộ khẩu nhưng đi nước ngoài, ly hôn... thì hộ gia đình phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy ly hôn... để chứng minh. Quy định này không thực hiện được, khiến nhiều người dân chưa thể mua được thẻ BHYT theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, thu nhập thấp của người dân cũng là một trong những khó khăn để thực hiện.

Dẫn ra hai ví dụ nêu trên (một chưa có hiệu lực thi hành đã bộc lộ bất cập, một vừa mới có hiệu lực đã cho thấy những hệ lụy đối với đời sống xã hội) để thấy có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm về hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Luật, có thể hiểu là pháp luật nói chung, là một loại văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, có hiệu lực pháp lý cao nhất, chỉ sau Hiến pháp (các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước khác ban hành là văn bản dưới luật). Pháp luật là hệ thống quy tắc mang tính bắt buộc chung nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Quá trình xây dựng pháp luật bao gồm nhiều hoạt động có quan hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều chủ thể có vị trí, chức năng, quyền hạn khác nhau tiến hành nhằm cụ thể hóa thành những quy tắc pháp lý. Thực tế, có nhiều loại quy trình xây dựng đối với từng thể loại văn bản khác nhau, song tất cả đều mang tính chặt chẽ, logíc. Về lý thuyết, giai đoạn đầu của quy trình là đề nghị sáng kiến pháp luật, sau đó văn bản quy phạm pháp luật có hình thức là một dự án, tiếp đến là thông qua các thủ tục thẩm tra, lấy ý kiến đóng góp, chỉnh lý lại văn bản với các phần, chương, điều... Cuối cùng, dự án văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các điều kiện chủ yếu để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Dự án trở thành văn bản quy phạm pháp luật và chính thức tham gia hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở bước thảo luận, thông qua và công bố văn bản. Tất nhiên, quy trình xây dựng pháp luật phải bảo đảm bước theo dõi tác động thực tế của văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để kịp thời có sự đánh giá, điều chỉnh. Sau một thời gian được đưa vào thực hiện, văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có thể sơ kết, tổng kết việc tổ chức triển khai thi hành, hiệu quả, hiệu lực thực tế của văn bản quy phạm pháp luật và vấn đề sửa đổi, bổ sung có thể đặt ra. Do đó, xây dựng pháp luật không phải là quá trình đứt đoạn mà vận động liên tục theo quá trình vận động, biến đổi, phát triển của thực tế đời sống xã hội.

Có thể thấy, quy trình, kỹ năng xây dựng pháp luật hết sức chặt chẽ, lôgíc, với mục tiêu cao nhất là để văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm chức năng điều chỉnh các quan hệ, hoạt động xã hội, đồng thời có tính ổn định tương đối. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi) nói chung và Điều 60 nói riêng được tiến hành đúng trình tự, quy định. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án luật, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận từ phía các bộ, ngành, địa phương và của Hội đồng thẩm định dự án Luật BHXH (sửa đổi). Quá trình cơ quan thẩm tra dự án luật của Quốc hội tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và quá trình Quốc hội thảo luận cũng không có ý kiến khác liên quan đến nội dung quy định về giải quyết BHXH một lần. Vậy thì nguyên nhân nằm ở đâu khiến luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải đưa ra sửa đổi? Phải chăng việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, người lao động, đặc biệt là đối tượng chịu tác động bởi luật... chưa chặt chẽ, đầy đủ? Phải chăng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (về lý thuyết) đã chặt chẽ, đồng thời việc triển khai xây dựng một luật cụ thể (trên thực tế), trong trường hợp này là Luật BHXH (sửa đổi) chưa đánh giá hết những tác động có thể xảy ra? Trả lời báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh cho biết: Vấn đề là tổ chức thực hiện có đạt yêu cầu hay không?

Trong trường hợp cụ thể liên quan Điều 60, Luật BHXH, mặc dù cơ quan soạn thảo xây dựng luật với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội nhưng thực tế cho thấy, đời sống một bộ phận người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương còn thấp nên họ muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già; đồng thời, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn... Đối tượng lao động này có thể chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu lao động nói chung nhưng lại là đối tượng "nhạy cảm" nhất với sự tác động của luật. Tương tự, với quy định đóng BHYT theo hộ gia đình, thực tế cũng cho thấy không phải ai, gia đình nào cũng có điều kiện để thực hiện...

Quá trình xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật mất rất nhiều thời gian, trí tuệ, chi phí, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành, chuyên gia... Vì thế, xây dựng luật mà không bảo đảm luật có thể phát huy chức năng cao nhất của nó đối với xã hội sẽ tạo ra những hệ lụy không nhỏ, đặc biệt là ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào luật pháp. Dù vậy, cũng cần nói thêm rằng sửa đổi luật là bình thường khi việc thay đổi một phần nội dung của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm làm cho nội dung của văn bản quy phạm pháp luật đó phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, việc luật vừa mới có hiệu lực đã làm phát sinh quá nhiều vướng mắc hoặc chưa có hiệu lực đã bộc lộ những bất cập phải khắc phục là điều đáng để suy ngẫm khi nó cho thấy những bất cập liên quan quá trình xây dựng, chất lượng xây dựng luật. Và như đã nói ở trên, nếu như luật không bảo đảm được chức năng của nó là điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người dân thì đương nhiên việc khắc phục, điều chỉnh những bất cập trong quá trình xây dựng luật là đòi hỏi cần được đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật phải bảo đảm chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.