(HNMO) - Tại phiên thảo luận chiều 28-5, các đại biểu QH đã tập trung vào các nội dung: Đối tượng không chịu thuế, thuế suất, ngưỡng đăng ký chịu thuế, chính sách thuế GTGT hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà.
Luật Thuế GTGT hiện hành được thông qua ngày 3-6-2008 tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 3 năm vừa qua, tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng thu NSNN đã tăng từ 24,38% (năm 2009) lên 26,16% năm 2012, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện của Luật thuế GTGT 2008 đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được hoàn thiện nhằm đáp yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước. Một số quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành đã không bao quát được các giao dịch hàng hoá, dịch vụ mới phát sinh, không còn phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Danh mục các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế tuy có giảm so với trước song vẫn còn rộng (25 nhóm hàng hóa và dịch vụ), gây ra sự phức tạp trong quản lý và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế. Một số quy định về kê khai, khấu trừ thuế, hoàn thuế… sau một thời gian thực hiện cũng bộc lộ một số điểm tồn tại, gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cả cơ quan thuế, làm phức tạp quy trình quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh…
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Lào Cai, Cao Bằng, Tây Ninh thảo luận ở tổ. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN |
Tại phiên thảo luận, các ĐB đã tập trung vào các nội dung: Đối tượng không chịu thuế, thuế suất, ngưỡng đăng ký chịu thuế, chính sách thuế GTGT hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hoà Bình) nêu ý kiến, quy định về đối tượng không chịu thuế là 25 25 nhóm hàng hóa và dịch vụ hiện nay là số lượng nhiều và không phù hợp với chiến lược cải cách thuế 2011-2020. Trong khi đó, trong thời gian từ 3-5 năm, chúng ta sẽ xem xét sửa đổi luật thuế này. Điều này chúng ta phải tính toán kỹ bởi thời hạn thực hiện Chiến lược cải cách thuế đã đến quá gần rồi vậy có còn thời gian để thực hiện Luật sửa đổi nếu cứ sửa luật liên tục. ĐB cũng khẳng định, Luật Thuế GTGT đánh trên người mua chứ không phải gười bán, vì thế phạm vi miễn thuế rộng càng không có lợi cho DN và khó khấu trừ thuế.
Liên quan đến đối tượng không chịu thuế, ĐB Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, cần quy định rõ những dịch vụ không chịu thuế gồm các dịch vụ trung gian như: ngân hàng, bảo hiểm, hoạt động vay vốn dưới mọi hình thức. Không nên đánh thuế những hoạt động này vì trên thực tế nó chưa tạo ra GTGT. ĐB Đỗ Văn Vẻ cũng nêu thực trạng về việc các DN siêu nhỏ áp dụng hình thức khấu trừ thuế GTGT gây tốn kém, phức tạp khi kê khai thuế, thậm chí có trường hợp bị oan sai. ĐB đề nghị Chính phủ có biện pháp thu thuế đơn giản với đối tượng này.
Đồng quan điểm này, ĐB Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, Luật thuế GTGT càng đơn giản càng mang lại hiệu quả cao và ổn định. “Luật hiện hành mới được thông qua lại tiếp tục sửa đổi, tôi rất băn khoăn vì luật sửa lần này có khoảng cách quá xa với việc áp dụng 1 mức thuế GTGT duy nhất mà không thực hiện khấu trừ thuế như hiện hành, vậy sửa đổi lần này liệu có áp dụng được lâu không?
Liên quan đến việc miễn thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014 với hợp đồng bán cho thuê, mua nhà ở xã hội căn hộ diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán 15 triệu đồng/m2, ĐB Trần Văn Vinh (đoàn Kiên Giang) đã nêu ý kiến tán thành quy định này nhằm kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho. Song ĐB đề nghị Chính phủ cũng khuyến cáo tình trạng lách luật đề được hưởng ưu đãi thuế thông qua việc chia nhỏ dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội hoặc phá vỡ quy hoạch dự án. Vì vậy, cần cân nhắc toàn diện trước khi ban hành. Để chính sách được triển khai đồng bộ, ĐB cũng đề nghị kéo dài thời gian ưu đãi đến ngày 31-12-2014...
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ĐB, PCT Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UB thường vụ sẽ nghiên cứu chi tiết những ý kiến góp ý, từ đó báo cáo trình QH thông qua dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế GTGT. Dự kiến, với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung lần này, thuế GTGT sẽ tiếp tục đóng vai trò là một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung về cải cách về thuế GTGT trên thế giới hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.