(HNMO) - Sáng ngày 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật quảng cáo, Luật tài nguyên nước sửa đổi và Luật biển Việt Nam...
Luật quảng cáo đã được Quốc hội thông qua với hơn 97,39% đại biểu tán thành. Luật gồm 5 chương 43 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Luật này quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Trong đó, Điều 5 của Luật quy định cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo là Bộ văn hóa thể thao và du lịch. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được Luật quy định tại điều 8. Theo đó, cấm quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác; Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn…
Luật tài nguyên nước sửa đổi đã được Quốc hội thông qua trong phiên họp sáng nay với 95,79% đại biểu tán thành. Luật gồm 10 chương 79 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Điều 6 của Luật quy định: Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các hoạt động sau đây: Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình và gửi kèm theo hồ sơ của dự án khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư; Công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra cho cộng đồng trước khi triển khai thực hiện dự án. Điều 6 còn quy định cụ thể các hoạt động cần phải thực hiện đối với dự án đầu tư có chuyển nước, dự án đầu tư xây dựng hồ, đập trên sông thuộc lưu vực sông liên tỉnh.
Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 đã được quốc hội biểu quyết thông qua với gần 94,79% đại biểu tán thành. Theo nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 777.283 tỷ đồng, bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2009 sang năm 2010, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2009, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 850.874 tỷ đồng.Bội chi ngân sách nhà nước là 109.191 tỷ đồng, bằng 5,5% tổng sản phẩm trong nước.
Cũng trong sáng nay, Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 96,99% đại biểu tán thành. Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Điều 2 Nghị quyết xác định cần: Sớm ban hành Luật đầu tư công, mua sắm công, Luật quy hoạch, Luật thủy lợi, Luật thú y, Luật việc làm. Sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật hợp tác xã, Luật dạy nghề, Luật thủy sản; Rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo hiểm nông nghiệp, dạy nghề, nhà ở, vệ sinh môi trường, hoạt động giám sát.
Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Tăng vốn đầu tư công phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các vùng trọng điểm, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của Chính phủ.
Cuối buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Biển Việt Nam với tỷ lệ 99,2% đại biểu tán thành. Gồm 7 chương, 55 điều, Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Điều 1, phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.