Nông nghiệp

Lúa vẫn xanh tươi trên đồng đất Hà Nội

Đỗ Minh 15/07/2023 - 14:10

Dù tốc độ đô thị hóa diễn ra “chóng mặt”, “tấc đất - tấc vàng”, nông dân Hà Nội vẫn cố gắng giữ ruộng, cần mẫn bên cây lúa như ông cha từ bao đời nay. Trên diện tích hơn 165 nghìn héc ta đất trồng lúa tại 23 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội, lúa đang vào kỳ bén rễ, xanh tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Song, để cây lúa tiếp tục "sống khỏe" trên đồng đất là câu chuyện khá dài...

Nỗ lực duy trì diện tích...

Phóng viên Báo Hànộimới đến xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) khi những cánh đồng lúa phấp phới xanh tươi trong vạt nắng cuối chiều với hình ảnh nhiều nông dân cần mẫn trên ruộng. Đồng ruộng nơi đây nổi tiếng với giống lúa nếp cái hoa vàng từng trải qua nhiều thời hưng thịnh và cũng có những lúc “lay lắt”...

Trong câu chuyện thấm đẫm tình đất, tình lúa, tình người, bà Nguyễn Thị Nụ, một nông dân kỳ cựu ở xã Trung Giã tâm sự: “Gần chục năm trước, khi đô thị hóa ập về làng quê, nông dân loay hoay với cuộc sống mới, cây lúa cũng đối mặt với nguy cơ “lụi tàn”. Dù giá lúa lúc đó chẳng đáng bao nhiêu so với cây trồng khác, lại tốn công sức nhưng nông dân vẫn không bỏ lúa...”.

co-gioi-hoa-ttin.jpg
Cánh đồng lúa của Hà Nội được quy hoạch thành vùng, cơ giới hóa ở hầu hết các khâu từ gieo trồng đến thu hoạch.

Huyện Thanh Oai vốn là một trong những vùng trồng lúa trọng điểm của Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Soi ở xã Bích Hòa (Thanh Oai) cho hay, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập không được bao nhiêu nên nhiều nông dân đã bỏ cây lúa. Dù loay hoay với bài toán kinh tế, gia đình bà vẫn giữ 6 sào lúa để bảo đảm lương thực cho cả nhà.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, mỗi năm, Hà Nội có đến hàng nghìn héc ta đất lúa bị chuyển đổi, gồm cả “bờ xôi, ruộng mật”... Các địa phương đua nhau mở những khu công nghiệp, khu đô thị và gần như các khu này đều hình thành trên đất lúa.

Hiện, Hà Nội còn 165.593ha đất trồng lúa ở 23 quận, huyện, thị xã. Câu chuyện sinh tồn của cây lúa nhiều năm qua luôn đau đáu với ngành Nông nghiệp. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa trăn trở, có thời điểm, 1ha lúa chỉ cho thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi năm nên nông dân chán ruộng, cây lúa đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” tại nhiều địa phương. Hiện, tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) không còn diện tích đất trồng lúa.

nep-cai-hoa-vang-dong-anh.jpg
Vùng lúa đặc sản nếp cái Hoa vàng tại huyện Đông Anh được duy trì, cho hiệu quả kinh tế cao.

Việc chuyển đổi rất nhanh diện tích trồng lúa sang cây khác đã đặt ra bài toán với không chỉ ngành Nông nghiệp, mà còn với chính quyền địa phương. Cây lúa nước gắn bó và nuôi sống bao thế hệ người Việt, cái đói cũng từng dai dẳng trong tiềm thức một thời chưa xa mỗi khi mất mùa. Câu nói “phi nông bất ổn” của ông cha rất đáng suy nghĩ trong bối cảnh thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng lương thực bởi tác động của biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, sắc tộc... khiến giá lương thực lập mặt bằng mới trên toàn cầu. Nhiều quốc gia rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm…

Vậy, Hà Nội có nhất thiết phải giữ đất trồng lúa hay không khi năng suất, chất lượng gạo Việt Nam đang gia tăng tại các vựa lúa trong nước và câu chuyện giao thương đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết?

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, dù không còn thế độc tôn như trước, song cây lúa vẫn cần tồn tại như thực thể về văn hóa, nhân chứng lịch sử cho nền văn minh lúa nước; sâu xa hơn là vấn đề an ninh lương thực tại mỗi địa phương.

Để cây lúa tiếp tục "bám rễ" trên đất Thủ đô, những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển đổi cơ cấu giống, nỗ lực duy trì diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng gạo của 10,8 triệu người sinh sống tại Thủ đô vào khoảng 1,16 triệu tấn/năm, trong khi đó, lượng gạo sản xuất trên địa bàn chỉ khoảng 680.000 tấn/năm. Như vậy, nguồn cung gạo của Hà Nội mới đáp ứng 59% nhu cầu tiêu dùng; lượng còn lại, Hà Nội phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác và cả từ Thái Lan, Nhật Bản…

... để cây lúa tiếp tục "bén rễ" trên đất Thủ đô

Trong bối cảnh đô thị hóa với tác động của thời đại công nghệ, cũng như con người, cây lúa buộc phải “chuyển mình” để thích ứng với điều kiện mới. Trong câu chuyện về đất lúa và nghề trồng lúa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ, cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững là hết sức cần thiết.

Với đặc thù của Thủ đô, cây lúa của Hà Nội vừa phải đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân, vừa phải nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng và cũng phải cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác. Mặt khác, Hà Nội cần hình thành những chuỗi giá trị lúa gạo, sản xuất, xuất khẩu gạo đạt chất lượng và giá trị cao, qua đó nâng cao thu nhập của nông dân cũng như lợi ích cho người tiêu dùng...

Để cây lúa tiếp tục "bén rễ" trên đất Thủ đô, Hà Nội đã triển khai Chương trình phát triển lúa hàng hóa qua các giai đoạn song hành phát triển các giống đặc sản, các mô hình sản xuất lúa hữu cơ với nhiều giống chất lượng cao.

gao-dong-phu-chuong-my.jpg
Sản phẩm gạo hữu cơ Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trong xu hướng giảm dần đất lúa đến năm 2025, sản lượng lương thực tự cung, tự cấp của Hà Nội vẫn sẽ thiếu hụt. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường liên kết vùng để đẩy mạnh khai thác sản phẩm nông nghiệp nói chung, trong đó có lúa gạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Mặt khác, việc ứng dụng các giải pháp canh tác lúa tiên tiến như SRI (phương pháp canh tác lúa sinh thái), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng) sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tiến tới xây dựng được thương hiệu cho cây lúa Hà Nội.

Nói về nghề trồng lúa trên cánh đồng xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, với hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, toàn bộ sản phẩm của thành viên hợp tác xã được chế biến, đóng gói theo quy trình, bán tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu.

Hiện tại, giá gạo hữu cơ của Đồng Phú luôn cao gấp 2,5-3 lần so với các loại gạo sản xuất thông thường nên doanh thu lên tới 160 triệu đồng/héc ta lúa/năm. Để minh bạch hóa quá trình sản xuất, hệ thống camera được lắp ngay trên cánh đồng, người quản lý có thể giám sát hoạt động của các thành viên.

"Để cây lúa phát huy hiệu quả tốt nhất, sắp tới, chúng tôi kết hợp với doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm như chế biến bún tươi, bánh, sữa, tinh dầu gạo… qua đó, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo và tăng thu nhập cho các thành viên", bà Nguyệt cho biết thêm.

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, chị Lê Thị Hòa, nông dân xã Đồng Phú nói: "Nhìn cánh đồng lúa Đồng Phú hôm nay, những người làm ruộng như chúng tôi không thể tin rằng cây lúa hữu cơ sẽ bám rễ và phát triển được ở đất này bởi trước đó có nhiều khó khăn. May sao, mô hình sản xuất lúa hữu cơ phát huy hiệu quả mạnh mẽ, trở thành mô hình điểm giữ nghề trồng lúa trong bối cảnh phát triển mới của Thủ đô. Cây lúa bám được đất là nông dân no ấm"...

Có thể thấy, cây lúa và nghề trồng lúa tại Hà Nội đang có bước chuyển mình tích cực. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, thành phố đã có hơn 160.000ha sản xuất lúa chuyên canh, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm, trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 70%.

Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Hà Nội xác định phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đồng thời, củng cố, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất theo hướng an toàn. Riêng nhóm lúa gạo Japonica đã hình thành được 25 vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích 1.370ha, sản lượng gần 10.000 tấn mỗi năm.

xa-thang-loi.jpg
Vùng trồng lúa quy mô lớn tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín.

Với định hướng phát triển mới, nghề trồng lúa cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Trên địa bàn thành phố đã hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, phân phối sản phẩm lúa gạo. Việc áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đang nâng tầm giá trị hạt gạo ở mỗi địa phương của Hà Nội. Với cây lúa, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục giảm diện tích, song sẽ đầu tư sâu cho chế biến gạo chất lượng cao, tạo sản phẩm từ gạo như nước gạo, bánh gạo... Hiện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang thí điểm mô hình này tại xã Tam Đồng (huyện Mê Linh).

Về mục tiêu gần, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu giống lúa chất lượng tốt đạt hơn 80%, thành phố duy trì và phát triển từ 80 đến 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời, có thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao. Đây cũng là hướng đi cho cây lúa Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa và “cơn lốc” của thời đại công nghệ số...

Những câu chuyện về cây lúa của Hà Nội với các hoạch định, chiến lược, giải pháp gần và xa của ngành Nông nghiệp cùng tâm tư, sự gắn bó mật thiết của nông dân với cây lúa cho chúng tôi hiểu rằng, dù trong bối cảnh nào, cây lúa của Hà Nội cũng tiếp tục được "bén rễ" và "sống khỏe". Rồi đây, nông dân Hà Nội sẽ yên tâm hơn với những mùa vàng bội thu và ấm no hơn trong hương cơm gạo mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúa vẫn xanh tươi trên đồng đất Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.