(HNM) - Thời điểm này, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh thu hoạch lúa mùa, triển khai vụ đông, tăng cường triển khai kết nối lưu thông sản xuất giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đẩy mạnh thu mua nguyên liệu, tăng khả năng chế biến sản phẩm cho thị trường, nỗ lực bảo đảm tăng trưởng cả năm 2022.
Gia tăng sản xuất
Năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5-3%. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cuối năm là thời điểm sản xuất vụ đông và nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao, Hà Nội có thể tranh thủ sản xuất vụ đông đối với cây trồng, vật nuôi ngắn ngày; đồng thời, tận dụng lợi thế từ thị trường cuối năm để tạo đà tăng trưởng.
Tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), để chủ động nguồn cung sản phẩm cho thị trường, nông dân chủ động nguồn giống, gieo trồng các loại rau màu ngắn ngày và tăng đàn vật nuôi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Lanh chia sẻ, vụ đông thường tăng thu nhập cho nông dân, do vậy, hợp tác xã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, hướng dẫn xã viên, nông dân nuôi trồng theo nhu cầu thị trường dịp cuối năm. “Vụ đông năm 2022-2023, xã Nam Phương Tiến gieo trồng hơn 250ha, bao gồm: Ngô 80ha, lạc 7ha, khoai tây 5ha, khoai lang 20ha, dưa chuột 50ha và rau màu các loại 88ha. Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, hợp tác xã hướng dẫn nông dân trồng cây vụ đông, đến nay, toàn xã trồng được hơn 100ha gồm: Ngô, khoai lang, dưa chuột và rau các loại. Hợp tác xã tiếp tục vận động nhân dân trồng cây màu còn thời vụ, đặc biệt là rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn để tăng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác”, ông Nguyễn Văn Lanh cho biết thêm.
Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, vụ đông 2022-2023, toàn huyện gieo trồng khoảng hơn 2.150ha với các loại cây trồng, chủ yếu là đậu tương, ngô, khoai tây… cùng 1.300ha rau các loại để cung ứng cho thị trường cuối năm.
Tương tự, thời điểm này huyện Thường Tín cũng tăng cường sản xuất vụ đông, mở rộng diện tích cây trồng ngắn ngày, đặc biệt là rau, đậu; tăng đàn gia cầm, thủy cầm... Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đã triển khai gieo trồng cây vụ đông theo kế hoạch. Toàn huyện gieo trồng hơn 1.290,9ha, trong đó riêng rau các loại hơn 1.000ha. Nguồn rau sạch của Thường Tín chủ yếu xuất bán đi các tỉnh, thành phố dịp cuối năm. Do đó, huyện khuyến khích các hợp tác xã, hộ gia đình mở rộng diện tích rau, đặc biệt là vùng rau an toàn, hữu cơ…
Không chỉ đối với cây trồng, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp còn tăng sản xuất nguồn giống gia cầm, thủy sản từ những tháng trước để phục vụ thị trường cuối năm. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thư Phú (huyện Thường Tín) Nguyễn Đình Thắng thông tin, từ tháng 9, hợp tác xã đã chủ động tăng lượng cá giống, gà giống lên gấp đôi so với những lứa đầu năm bởi nhu cầu gia cầm, thủy sản cuối năm sẽ tăng rất cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, việc gia tăng sản xuất, chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tạo đột phá cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp; đồng thời bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân và cung ứng cho các tỉnh, thành phố lân cận.
Liên kết đẩy mạnh sản xuất, kết nối thị trường
Để gia tăng giá trị sản xuất vụ đông, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo các địa phương tập trung vào sản xuất nguồn giống ngắn ngày, chất lượng cao, đặc biệt là phát triển hệ thống các chuỗi sản xuất.
Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, vụ đông năm nay, toàn thành phố gieo trồng 29.625,9ha, trong đó, riêng rau các loại là 13.966ha; khai thác tối đa diện tích trồng hoa (2.712ha), tạo giá trị tăng trưởng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy nhanh công tác tái đàn, áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, ngay khi triển khai vụ mùa, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông và yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất. Cùng với thu hoạch vụ mùa, Hà Nội đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, vụ đông chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao, giống mới, gieo trồng tập trung, nên các địa phương cần tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Song song đó, Hà Nội tăng cường kết nối thị trường nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản, gia tăng giá trị từ lưu thông hàng hóa. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung vào các chuỗi sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản. Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các tỉnh nằm trong chuỗi cung ứng nông sản cho Thủ đô, xây dựng kế hoạch liên kết, khảo sát thị trường để có hướng tập trung sản xuất theo nhu cầu, bảo đảm đầu ra cho nông sản; tiếp tục phối hợp với các địa phương mở gian hàng trưng bày, bán hàng nông sản nhằm quảng bá, tăng kết nối và sức tiêu thụ.
Với kế hoạch sản xuất cụ thể, chủ động điều tiết theo thị trường cùng với việc tăng cường kết nối trong quảng bá và tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Thủ đô chắc chắn đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.