Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúa gạo Việt Nam: Công nghệ hạt giống đang ở đâu ?

Thế Dũng| 19/03/2010 07:11

(HNM) - Nhiều nhà khoa học cho rằng chưa có thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế là do chất lượng gạo Việt Nam chưa cao. Khi nói đến Khaodakmali là người ta nghĩ ngay đến gạo Thái Lan; nói Basmati là ý chỉ gạo Ấn Độ, Pakistan; nhưng ta chỉ có một tên gọi

Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đánh giá kết quả lúa cấy theo phương pháp mới. Ảnh: TTXVN


Giống nhiều, nhưng thiếu chất

GS - TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong nhiều lý do gạo Việt Nam có giá bán thấp hơn gạo Thái Lan, có phần do công tác quản lý giống chưa thống nhất và chưa tốt. Điều đặc biệt là nước ta hầu như chưa có ngành công nghệ hạt giống, giống lúa chủ yếu do người dân tự lưu chuyển từ vụ trước sang vụ sau, nên chỉ sau một vài năm, giống tốt cũng sẽ bị thoái hóa. Hơn thế, mỗi địa phương lại có bộ giống riêng, dẫn đến toàn quốc hiện có gần 700 giống lúa; mỗi tỉnh có không dưới 20-30 giống, nên việc lẫn giống là khó tránh. Về mặt kỹ thuật, chất lượng hạt giống chưa được quan tâm đầy đủ.

Theo Bộ KHCN, trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã tạo và tuyển chọn được gần 170 giống lúa mới. Kết quả đó không thể phủ nhận song công việc này được cho là chưa bền vững và chưa có đột phá về năng suất, chất lượng. Với lúa thuần, Việt Nam còn thiếu các giống thích hợp với bất thuận của thời tiết, sâu bệnh như nóng, ấm, rét đậm bất thường; úng, hạn; kháng các bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, bạc lá, đạo ôn. Nhiều loại giống có phổ thích nghi hẹp nên khó phát triển ra diện rộng như giống Q5 hay Khang dân của Trung Quốc. Điều này lý giải tại sao số lượng giống lúa thuần chọn tạo trong nước chiếm đến 92,8%, song diện tích trồng các giống đó chỉ khoảng 65-70%. Với lúa lai, do điều kiện khí hậu nên sản xuất hạt lai, nhất là lai 3 dòng rất khó khăn, dẫn đến sản xuất trong nước mới chỉ đạt 3.200 - 3.500 tấn, đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu, còn lại phải nhập từ Trung Quốc.

Cùng với việc thiếu giống tốt thì một lý do nữa để chất lượng gạo Việt Nam thấp hơn so với gạo Thái Lan và các nước khác là do phương pháp canh tác. Hiện dân số của Thái Lan là 62 triệu (so với 86 triệu của Việt Nam) nhưng có đến 9,6 triệu hécta đất lúa, trong khi ở Việt Nam chưa bằng một nửa số đó và sẽ còn giảm chỉ còn khoảng 3,5 triệu hécta trong những năm tới. Đất lúa của Thái Lan chỉ trồng 1 vụ các giống lúa thơm có thời gian sinh trưởng dài, chấp nhận năng suất hạn chế (2,2-2,5 tấn/ha) để được gạo chất lượng cao. Còn Việt Nam, diện tích đất hạn chế nên đương nhiên phải điều chỉnh chiến lược canh tác theo hướng ưu tiên năng suất cao, chất lượng trung bình...

Chọn tạo hạt giống ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2006-2010, Bộ đã phê duyệt nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo giống lúa với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Hầu hết các cơ quan nghiên cứu lớn như Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Sinh học nông nghiệp... đều đã vào cuộc. Tuy nhiên, trong số 19 giống lúa được công nhận cấp quốc gia, chưa có sản phẩm mới nào mang ưu điểm vượt trội về chất lượng được trồng đại trà, phục vụ xuất khẩu.

Cách quản lý, nghiên cứu về giống lúa hiện cũng đang có bất cập. Cũng như các ngành khoa học khác, các nhà khoa học ở cơ sở trường, viện nào thì đề xuất hướng nghiên cứu cho cơ sở ấy. Sau đó, Bộ NN&PTNT tập hợp, sắp xếp lại theo danh mục, trình hội đồng khoa học xem xét. Nếu được thông qua, nhà khoa học sẽ viết đề cương nghiên cứu để hội đồng khoa học xem xét lần hai, rồi thực hiện. Cách làm này có bất lợi là vấn đề nghiên cứu đều xuất phát từ ý tưởng cá nhân nên manh mún, nhỏ lẻ. Ngay cả những chuyên gia được mời đến tham gia hội đồng xét duyệt đề tài cũng chỉ được tham gia ý kiến về danh mục đề tài đơn lẻ theo kiểu duyệt cái nào, bỏ cái nào... Điều này có thể giải thích vì sao Bộ NN&PTNT "đặt hàng" các nhà khoa học nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thuần khả dĩ thay thế các giống Khang dân, Q5 đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có giống nào thay thế.

GS - TS Nguyễn Văn Bộ cho biết thêm: Để tăng cường kinh phí cho nghiên cứu giống lúa, tránh ỷ lại từ nguồn ngân sách, Nhà nước nên nghiên cứu việc cho trích từ xuất khẩu gạo để bổ sung cho kinh phí nghiên cứu. Nếu trích 1 USD/tấn gạo xuất khẩu thì hằng năm chúng ta đã có thêm từ 4,5-5 triệu USD cho công tác tạo giống mới.

Nghiên cứu và phát triển giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong khi đất trồng lúa suy giảm cả về diện tích và độ phì, bảo đảm sản xuất bền vững, an ninh lương thực quốc gia cho 100 triệu người vào năm 2020 và 120 triệu vào năm 2030; cung cấp đủ lương thực cho chăn nuôi và xuất khẩu 3,5-4 triệu tấn gạo/năm, là thách thức không chỉ đối với người nông dân, với ngành NN-PTNT mà còn với cả những nhà khoa học nghiên cứu về giống lúa những năm sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúa gạo Việt Nam: Công nghệ hạt giống đang ở đâu ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.