Nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc đa khủng hoảng toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch Covid-19, trong đó vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế tương đối nổi cộm với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi.
Thông tin được ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 11 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 30-11 với chủ đề “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế".
Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Có thể thấy, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.
Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo, tranh chấp thương mại quốc tế.
Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hóa kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam điểm lại vụ việc lừa đảo 74 container điều năm 2022 tại thị trường Italia và khẳng định thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo hết sức tinh vi, có nghiên cứu tâm lý rất kỹ. Cụ thể theo ông Nhựt, đối tượng thực hiện vụ việc đúng dịp Tết Nguyên đán 2022, thời điểm doanh nghiệp rất cần thanh khoản hàng hóa. Mặt khác, đối tượng mua hàng thông qua môi giới đã làm việc với 6 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam 15 năm với các thương vụ thuận lợi. Việc mua hàng số lượng lớn được kẻ lừa đảo giải thích là có hỗ trợ của Chính phủ để cung ứng hàng hóa cho thị trường sau dịch Covid-19…
Ông Cao Xuân Thanh, đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin, sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada… Bên cạnh các doanh nghiệp bị lừa đảo khi xuất khẩu còn không ít doanh nghiệp do quá tin tưởng đối tác, trong khi nhiều trường hợp đối tác đã phá sản, nên vẫn xuất hàng dẫn đến chậm trả hoặc không thanh toán được tiền hàng.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, không chỉ chiều xuất khẩu mà ngay cả chiều nhập khẩu ngành cũng gặp nhiều khó khăn, khó xác định đối tác. Minh chứng điều này ông Thanh cho biết, châu Phi là thị trường cung cấp gỗ tròn nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, song các đối tác ở thị trường này thường không rõ ràng, khó xác minh. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam không có điều kiện thuê bên thứ 3 để xác minh đối tác nên rất bất an khi mua nguyên liệu tại đây.
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Italia Dương Phương Thảo khuyến nghị cần cẩn trọng trước những doanh nghiệp né tránh các biện pháp xác minh của doanh nghiệp như không thực hiện gọi điện trao đổi bằng video call như doanh nghiệp Việt Nam đề nghị; chào hàng với giá thấp; hợp đồng, cách thức giao dịch không chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế...
Ông Phạm Thanh Hải, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi thì đề xuất doanh nghiệp khi ký hợp đồng bên cạnh liên hệ trực tiếp, nên xem lịch sử giao dịch, kinh doanh …
“Trước khi tiến tới các giao kết xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam nên phối hợp với cơ quan thương vụ tại thị trường nước sở tại để nhận được sự hỗ trợ trong việc xác minh đối tác. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tránh những rủi ro không đáng có”, ông Phạm Thanh Hải nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.