(HNM) - Mỗi năm, trên thế giới, có khoảng 175 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, chiếm hơn 50% rác thải đô thị. Rác thải nhựa không bao giờ phân hủy hoàn toàn, chúng chỉ biến thành hàng tỷ “hạt” vật chất mà mắt thường không quan sát được.
Vì vậy, để giảm thiểu tác hại của bao bì nhựa đối với môi trường, những năm gần đây, vật liệu bao bì phân hủy sinh học được xem là lựa chọn phù hợp để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo các tiêu chuẩn hiện đại, vật liệu polyme, hay nhựa phân hủy sinh học là những vật liệu polyme có thể phân hủy ở điều kiện môi trường tự nhiên dưới tác dụng của các vi sinh vật (nấm, vi khuẩn). Những loại vật liệu bao bì phân hủy sinh học được sản xuất theo 2 dạng: Trực tiếp từ các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên và bằng các phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học. Tinh bột là nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất bao bì phân hủy sinh học nhờ giá rẻ và phổ biến, có thể sản xuất từ các loại cây trồng khác nhau như: Khoai tây, ngô, sắn, lúa...
Trong đó, nguồn nguyên liệu tiềm năng lớn là các loại vật liệu polyme-compozit trên nền nhựa thông thường, có khả nâng phân hủy trong đất dễ dàng hơn (trong 1-2 tháng), nhờ bổ sung phụ gia là polyme nguồn gốc thực vật.
Một trong những polyme phân hủy sinh học tiềm năng nhất làm nguyên liệu sản xuất bao bì phân hủy sinh học là polylaclic axil (PLA), hiện được sản xuất bằng cách tổng hợp từ axit lactic, một sản phẩm lên men đường từ ngô. Ưu điểm chính của PLA là có thể phân hủy sinh học thành CO2, H2O và các sản phẩm phụ có độc tính thấp, đồng thời có khả năng gia công bằng các phương pháp chế biến khác nhau áp dụng đối với nhựa nhiệt dẻo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.