Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lựa chọn cơ chế tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp

Hiền Chi - Kim Vũ| 09/07/2010 06:48

(HNM) - Ngày 8-7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và một số sở, ngành về việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn TP.

Đến nay, TP Hà Nội đã cơ bản thực hiện tốt các nội dung chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010. TP xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, cải cách TTHC và công tác cán bộ là 2 khâu đột phá nên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về CCHC nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân.

Hằng năm, các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở đều xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện CCHC và đưa vào giao ban định kỳ. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP đã chỉ đạo quyết liệt các cấp tập trung triển khai đồng bộ, thống nhất các nội dung CCHC. Đồng thời, TP tăng cường bố trí các nguồn lực, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác CCHC.

Toàn bộ 1.816 TTHC được thực hiện trên địa bàn TP đã được công bố trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT đã nêu lên những vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC do sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...); hay trong Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT-BTNMT-BNV của Bộ TN&MT và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức văn phòng đăng ký (VPĐK) quyền sử dụng (QSD) đất và tổ chức phát triển quỹ đất và Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận (GCN) QSD đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất không thống nhất với nội dung Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Cũng theo ông Vũ Văn Hậu, hiện các bộ luật do các bộ chuyên ngành xây dựng nên mang tính độc lập cao và quá trình triển khai các TTHC của các ngành bị chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành phải liên tiếp ban hành các nghị định, thông tư sửa đổi, bổ sung các nội dung, hướng dẫn thi hành luật làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tại các cấp cơ sở vất vả trong việc theo dõi, cập nhật cơ sở pháp lý để ban hành các quy định mới và phải chỉnh sửa TTHC, lãng phí thời gian, gây bức xúc cho DN.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, buổi giám sát này là cơ hội lớn để TP tiếp thu sự chỉ đạo trực tiếp của UBTVQH. Từ đó, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, tăng cường rà soát hướng tới sự thuận tiện, đơn giản trong thủ tục, lựa chọn cơ chế tốt nhất cho người dân và DN nhưng vẫn bảo đảm tính pháp lý.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Uông Chu Lưu ghi nhận những kết quả mà TP Hà Nội đã đạt được trong công tác cải cách TTHC; đồng thời đề nghị các sở, ngành phải tiếp tục chỉ ra cụ thể những vướng mắc do sự chồng chéo của các VBQPPL. Trưởng đoàn giám sát cũng yêu cầu tiếp theo việc đơn giản TTHC theo Đề án 30, TP Hà Nội phải xem xét, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm giảm thiểu sự sách nhiễu, phiền hà do cán bộ gây ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Hôm nay, Đoàn giám sát của UBTVQH tiếp tục làm việc về vấn đề này tại UBND huyện Từ Liêm, Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố để tổng hợp kết quả, trình QH vào tháng 10-2010. 

* Cùng ngày, Đoàn giám sát của UBTVQH và lãnh đạo TP Hà Nội do Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn. Đây là buổi làm việc đầu tiên trong chương trình kéo dài 2 ngày của đoàn giám sát về "việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" nhằm đánh giá những mặt được và chưa được, những khó khăn cần tháo gỡ của các doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, có nhiều vấn đề được đại diện các doanh nghiệp đưa ra như sự chênh lệch về phí môi giới giữa các doanh nghiệp; việc thành lập nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành; tình trạng bán giấy phép tràn lan; thủ tục vay vốn, ký quỹ tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa theo chuẩn chung gây khó khăn cho các doanh nghiệp; việc cấp phép về lĩnh vực XKLĐ còn nhiều nhiêu khê, giải quyết rủi ro cho NLĐ còn nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Hàng không - Airserco thì hầu hết các ngân hàng thương mại đều yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải ký quỹ từ 5-10% tổng số vốn vay để bảo lãnh cho NLĐ. Mức ký quỹ này là rất cao, gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Hiện nay, chỉ duy nhất tỉnh Thanh Hóa có chính sách mở cho doanh nghiệp là không phải ký quỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn cơ chế tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.