Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lòng tham kết hợp đặc quyền, đặc lợi là nguyên nhân của suy thoái đạo đức

Cù Xuân Trường| 01/12/2014 05:43

(HNM) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Tấn Quyên đã đến tỉnh Bến Tre thông báo chính thức Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vấn đề liên quan đến khối tài sản bất minh của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc kiểm điểm theo quy trình đối với những khuyết điểm, sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ...

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu: Trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan Trung ương và khi đã nghỉ hưu ông Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm: Thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình; trong đó có việc thiếu trung thực; có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định những điều đảng viên không được làm... Dự kiến, việc xử lý trách nhiệm của ông Trần Văn Truyền và các tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan sẽ hoàn tất trong tháng 12-2014...

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận được sự đồng tình của dư luận bởi không chỉ làm sáng tỏ một vụ việc, làm rõ sai phạm của một con người đang làm tổn hại tới uy tín của Đảng mà còn cho thấy dù cán bộ từng giữ cương vị nào, khi đã tham nhũng, không có chuyện "hạ cánh an toàn"! Việc xem xét tính chất, mức độ sai phạm của ông Trần Văn Truyền, các cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết nhằm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Những bước xử lý tiếp theo đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Người dân đặt niềm tin vào Đảng, vào sự nghiêm minh của pháp luật khi mà Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: Không có vùng cấm trong việc chống tham nhũng.

Có thể nói rằng, bất cứ vì lý do gì, trong đội ngũ, bất cứ ai vấp ngã đều để lại nỗi đau, nhưng điều quan trọng nhất là đừng để phải lặp lại những nỗi đau tương tự. Việc trước hết là làm rõ sai phạm của ông Trần Văn Truyền và những người đã tiếp tay cho ông làm những việc sai phạm tưởng như không thể xảy ra như báo chí gần đây bình luận: "Con voi chui qua lỗ kim". Cũng cần nghiêm túc xem xét, suy ngẫm về câu hỏi đặt ra "Có bao nhiêu ông Trần Văn Truyền?" để từ đó có giải pháp quyết liệt, triệt để hơn nhằm đối phó với sự tha hóa và đẩy lùi vấn nạn tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, ông Trần Văn Truyền - người đứng đầu Thanh tra Chính phủ lẽ ra phải thật trong sáng, làm gương sáng cho mọi người, nhưng ông lại có khối tài sản không minh bạch, mua nhà đất không phải chế độ, tiêu chuẩn của mình, là không thể chấp nhận... Sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã quá rõ ràng. Phía sau sai phạm này là những câu hỏi đầy trăn trở: Tại sao không khó khăn về nhà ở, nhưng ông Trần Văn Truyền vẫn nêu các loại lý do để được mua thêm nhà giá rẻ của Nhà nước, sau đó cho người khác thuê tổ chức hoạt động kinh doanh...? Tại sao một con người từng hô hào đấu tranh quyết liệt với vấn nạn tham nhũng lại có thể bất chấp các nguyên tắc của Đảng và Nhà nước để có được lợi ích không chính đáng cho riêng mình? Tại sao một con người từng đứng đầu cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy phòng, chống tham nhũng của Nhà nước lại "thiếu trung thực", có những "vi phạm" đến mức gây hậu quả xấu trong xã hội?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là lòng tham và lợi dụng quyền lực được giao để thực hiện cho được lòng tham đó.

Lòng tham hình thành từ bản năng sinh tồn, từ sự ích kỷ, từ cuộc sống... Lòng tham như cái giếng sâu không đáy, khi không có thì tham muốn cho có, khi có rồi thì tham muốn cho thật nhiều... Nhưng tại sao trong cuộc sống có những người tham lam vô độ, trong khi số khác lại không? Bản chất của lòng tham nằm ở nhu cầu của mỗi con người. Với những người hiểu được rằng cái gì của ta là của ta, cái gì của người là của người thì lòng tham sẽ không phát tác. Đừng liếm mật ngọt còn sót lại trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi - lời răn dạy của nhà Phật rất đáng để mọi người cùng suy nghĩ. Nói như vậy để thấy, nếu biết chế ngự lòng tham chắc chắn ông Trần Văn Truyền sẽ không bắt tay với cái xấu để rồi kéo cả người thân những cán bộ liên quan vào những sai phạm... Từ đây, có thể đặt câu hỏi: Phía sau lòng tham ấy là gì? Phải chăng là những đặc quyền, đặc lợi và sâu xa hơn là vấn đề đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4: Sự tha hóa và phai nhạt lý tưởng của một bộ phận cán bộ cấp cao.

Nếu ông Truyền khi đương nhiệm không lợi dụng "cái ân", "cái uy của quyền lực" của vị trí được tổ chức tín nhiệm gửi trao, liệu có thể vun vén cho cá nhân một cách sai chính sách, chế độ như vậy hay không? Làm một phép cộng bình thường cũng có thể thấy, nếu không có quyền lực và lợi dụng quyền lực thì ông Truyền và gia đình không thể có khối tài sản lớn đến như vậy - trong đó có những tài sản hoàn toàn sai chế độ, chính sách mà pháp luật quy định ông Truyền không phải là đối tượng được hưởng. Rất không bình thường khi những người có quyền lực ở chính quyền tỉnh Bến Tre và TP Hồ Chí Minh lại dễ dàng ra những quyết định bán các căn nhà của Nhà nước sai chế độ cho ông Truyền. Người xưa nói "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu". Trong trường hợp này đúng hay sai? Nếu đúng thì "chân giò" là gì, "rượu" là gì? Cơ quan chức năng hẳn sẽ phải có câu trả lời.

Các văn bản pháp luật về đất đai đã quy định rất rõ về thủ tục cấp nhà, cấp đất với đủ tầng nấc xét duyệt. Thế nhưng tại sao ông Trần Văn Truyền có thể dễ dàng vượt qua các ải (vốn được đánh giá là nhiêu khê) của thủ tục hành chính như vậy để thỏa mãn lòng tham? Cái bóng của chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ rất lớn nhưng không thể trùm lên pháp luật và lẽ phải. Tại sao những người tiếp nhận, giải quyết, trình ký duyệt hồ sơ không ngăn cản hành vi của một người hiểu rõ pháp luật nhưng vẫn cố tình phạm luật? Thế nên, nếu nói vì sự "nể nang" mà những cán bộ trong cơ quan công quyền của tỉnh Bến Tre và TP Hồ Chí Minh đã tiếp tay cho những vi phạm chính sách nhà đất của ông Trần Văn Truyền là đúng nhưng chưa đủ. Làm trái thẩm quyền, lạm quyền cố ý gây thiệt hại tài sản nhà nước..., thì phải truy cứu trách nhiệm đến cùng. Về vấn đề này, theo một vị luật sư, nếu vì tình cảm, vì ân nghĩa hay vì sợ hãi mà tiếp tay cho những hành vi sai trái là không thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý. Còn nếu vụ lợi, tiếp tay cho ông Trần Văn Truyền thực hiện trót lọt hành vi vi phạm để thỏa mãn lòng tham thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Chưa nói đến chuyện "có đi, có lại", anh hóa giá cho tôi cái nhà, tôi sẽ tạo điều kiện cho anh làm một việc gì đó có lợi cho anh. Nếu mỗi "công bộc của nhân dân" đều "nể nang", dung túng, tiếp tay cho sai phạm thì xã hội sẽ như thế nào? Luật pháp có được thực thi hay không? Qua vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có rất nhiều điều để nói về những đặc quyền đặc lợi, những "dây mơ, rễ má" trong các mối quan hệ mà nhiều người vẫn gọi là "nhóm lợi ích". Vụ việc cũng cho thấy còn có rất nhiều điều đáng buồn trong công tác quản lý cán bộ, kiểm soát thu nhập, thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng... Sau bao nhiêu năm, bao nhiêu lần kê khai tài sản, các cơ quan hữu trách vẫn không phát hiện ra những sự đáng ngờ, những tài sản không minh bạch của ông Truyền. Rõ ràng ở đây có trách nhiệm của các tổ chức Đảng cơ sở nơi ông Trần Văn Truyền công tác, sinh hoạt. Có phải vì ông Trần Văn Truyền là Tổng Thanh tra Chính phủ nên không ai nghĩ đến chuyện kiểm tra? Từ vụ việc này có thể thấy: Chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng cần được đặt ra như một vấn đề cấp bách.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rõ ràng về sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan, phải cần được làm rõ. Tham nhũng đang phát tác cùng lòng tham, sự tha hóa của một bộ phận cán bộ cấp cao. Nếu chúng ta chỉ xử lý cán bộ công chức "tham nhũng vặt" mà không "động" đến những người đang sở hữu trái quy định các lô đất, căn nhà, nhà công vụ có giá trị hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không có kết quả, và đương nhiên vô hình trung sẽ tạo ra "vùng cấm", tạo ra ngoại lệ với vấn nạn tham nhũng. Và chống tham nhũng không thể "từ trên vai trở xuống", bởi chống nửa vời, tham nhũng sẽ ngày càng nguy hiểm hơn.

Sự thật về khối tài sản bất minh của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền mà dư luận đề cập đã được làm rõ, những khuất tất đã được phơi bày và sẽ xử lý. Hy vọng những trường hợp tương tự cũng được làm nghiêm như vậy. Như thế chính là sự nghiêm túc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lòng tham kết hợp đặc quyền, đặc lợi là nguyên nhân của suy thoái đạo đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.