(HNM) - Lại có thêm hàng trăm con vịt ở huyện Phúc Thọ bị chết mà nguyên nhân là do ngộ độc thức ăn. Qua sự việc này cho thấy, công tác quản lý thức ăn chăn nuôi đang tồn tại nhiều bất cập...
Khoảng 400 con vịt của gia đình ông Cấn Xuân Tình (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Tho) bị chết do ngộ độc thức ăn. Ảnh: Việt Tùng |
Lỗ hổng trong quản lý
Gia đình ông Lê Văn Cúc (xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) vừa mua 5 tấn thóc của đại lý Quang Long ở xã Phụng Thượng làm thức ăn cho đàn vịt. Nhưng sự cố đã xảy ra khi cho vịt ăn thóc, 900 con vịt lăn ra chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình. Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Hợp (ở xã Phụng Thượng) mua ngô về cho đàn vịt ăn khiến 270 con vịt bị chết, ước thiệt hại gần 20 triệu đồng. Còn gia đình ông Cấn Xuân Tình (ở cụm 2, xã Phụng Thượng) cũng có 400 con bị chết do ăn ngô. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Thú y Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân vịt chết là do ngộ độc thức ăn.
Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, những năm gần đây chăn nuôi không lãi nhiều, nhưng đây vẫn là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, do vậy, nhu cầu về thức ăn phục vụ phát triển chăn nuôi khá lớn. Tuy nhiên, qua nhiều vụ gia súc, gia cầm, thủy cầm ngộ độc thức ăn thời gian qua cho thấy, công tác quản lý TĂCN lỏng lẻo, chất lượng chưa bảo đảm. Ngoài nguồn thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp như ngô, khoai, sắn…, hầu hết hộ chăn nuôi đều sử dụng thức ăn công nghiệp, nhất là ở trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Để tăng cường quản lý TĂCN trên địa bàn, hằng năm huyện Phúc Thọ đều có đội liên ngành kiểm tra điều kiện kinh doanh phục vụ chăn nuôi, trong đó có TĂCN, nhưng phần lớn cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ nên khó xử lý dứt điểm vi phạm.
Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, mỗi năm Việt Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất TĂCN, tiếc rằng công tác quản lý ở cơ sở dường như bị bỏ ngỏ, chính quyền địa phương kiểm tra chỉ dựa vào cảm quan, chưa thường xuyên lấy mẫu để phân tích chất lượng, nên vẫn tạo kẽ hở cho cửa hàng kinh doanh TĂCN nhỏ lẻ trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán cho nông dân với giá rẻ để thu lợi nhuận. Ngoài ra, cơ quan chức năng chưa nắm rõ được sản lượng sản xuất TĂCN hằng năm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà chỉ ước lượng dựa trên năng lực của các nhà máy đã đăng ký số lượng với cơ quan quản lý nhà nước.
Người dân cần lưu ý mua những loại thức ăn chăn nuôi từ các cơ sở có uy tín.Ảnh: Thái Hiền |
Siết chặt điều kiện
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về TĂCN mới thông qua danh mục, còn chất lượng chưa có sự kiểm soát chặt chẽ, nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, khi kiểm tra, các ngành chức năng vẫn phát hiện vi phạm về chất lượng, chẳng hạn năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã xử phạt hành chính 12 công ty sản xuất TĂCN với số tiền 456 triệu đồng; đồng thời đình chỉ một số công ty dùng hóa chất công nghiệp sản xuất TĂCN. Tại Hà Nội, năm 2016 các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã kiểm tra 94 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TĂCN, phát hiện lập biên bản 23 tổ chức cá nhân vi phạm; buộc tiêu hủy 15.400kg TĂCN với trị giá 100 triệu đồng và buộc chuyển đổi mục đích sử dụng 555kg TĂCN, thức ăn bổ sung vì ghi nhãn mác sai quy định...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho thấy, phần lớn TĂCN sản xuất ra sản phẩm không có trong danh mục TĂCN được phép lưu hành tại Việt Nam; kinh doanh không đúng địa điểm; sản xuất hàng hóa, sản phẩm TĂCN không phù hợp với công bố... Vì thế, để quản lý tốt TĂCN, công tác kiểm tra điều kiện sản xuất, bảo quản, cung ứng của cơ sở sản xuất kinh doanh, tổng kho, đại lý cấp 1, cửa hàng buôn bán TĂCN nhỏ lẻ đóng vai trò quan trọng.
Trao đổi về việc này, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng dứt khoát phải tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn gồm các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn ISO và công bố của đơn vị sản xuất để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, phải quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra để hạn chế tối đa việc các công ty đưa chất cấm, hóa chất công nghiệp vào thức ăn. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật… để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại và cơ sở nhỏ lẻ nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các địa phương tăng cường đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh TĂCN để có biện pháp quản lý; đối với cơ sở vi phạm nhiều lần cần thu hồi giấy phép kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.