(HNNN) - Đã thành thông lệ mười mấy năm nay, tới dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, người dân ở miền biên thùy Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) cùng các cựu chiến binh lại làm lễ thả hoa tưởng niệm, tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trên dòng sông Long Khốt.
Lịch sử bi tráng hào hùng
Theo như trên địa đồ cương vực lãnh thổ Việt Nam, phía tây dòng chính Mê Kông qua các phân lưu của nó tách ra trên đất Campuchia, có hai nhánh chảy theo hướng đông nam, tới biên giới, cùng đổ vào đất Việt, tạo thành rạch Long Khốt - sông Long Khốt, là thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây. Khu đất dọc dòng Long Khốt có diện tích 4,5ha, được gọi theo tên sông, thuộc ấp Trung Chánh, xã Thái Trị, Vĩnh Hưng, Long An.
Đây là khu đất có vị trí chiến lược. Giai đoạn 1958 - 1975, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng một chi khu quân sự kiên cố, trang bị nhiều vũ khí tối tân, có lực lượng tinh nhuệ trấn giữ cửa ngõ biên giới Tây Nam cùng con đường huyết mạch từ miền Tây Nam Bộ về Sài Gòn. Sau năm 1975, đây cũng là một chốt biên phòng trọng yếu chiến lược của ta, trấn giữ vành đai bảo vệ thành phố Hồ Chí Minh từ xa, với chiều dài 45,62km (chiếm 31,1% tổng chiều dài biên giới của tỉnh Long An). Riêng Đồn biên phòng Long Khốt hiện được giao quản lý 17,3km đường biên giới với 12 cột mốc.
Trong đoàn chúng tôi về thăm chiến trường xưa có các cựu chiến binh của Trung đoàn 174 anh hùng, thuộc Sư đoàn 5, Quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ, đơn vị đã hai lần được giao nhiệm vụ “nhổ” chi khu quân sự Long Khốt của quân đội Sài Gòn trong hai chiến dịch: Chiến dịch Nguyễn Huệ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Lộc Ninh - Tây Ninh, tháng 6-1972, đơn vị được điều về giải phóng chi khu Long Khốt nhằm phá vỡ tuyến ngăn chặn của quân đội Sài Gòn ở trung tâm Đồng Tháp Mười, và chiến dịch mùa khô 1973 - 1974 tiến công tiêu diệt chi khu Long Khốt.
Trận chiến năm 1972 diễn ra vô cùng ác liệt. Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, xúc động kể lại: “Năm ấy, cấp trên giao nhiệm vụ cho chúng tôi “nhổ bốt, giành dân” ở khu vực “da báo”, chuẩn bị cho việc ký hiệp định Paris buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Đánh Long Khốt không thành, cũng do chủ quan và công tác chuẩn bị tác chiến của ta chưa tốt... Tôi nhớ có đêm tự tay tôi cùng anh em chôn cất hàng chục liệt sĩ...”.
Lần thứ hai, ta quyết tâm phải “nhổ” cho bằng được chi khu quân sự Long Khốt, Trung đoàn 174 rút kinh nghiệm thất bại từ lần thứ nhất. Theo cựu chiến binh Trình Tự Kha, chiến sĩ đại đội 17 pháo DKZ: “Chi khu Long Khốt do Tiểu đoàn 502 và lực lượng biệt động quân chốt giữ, có hệ thống công sự kiên cố, hỏa lực máy bay, pháo binh chi viện mạnh, nhưng ta đã tổ chức trinh sát tỉ mỉ, xây dựng phương án tác chiến kết hợp giữa lối đánh đặc công “mở cửa” và hiệp đồng binh chủng hợp thành”.
Đêm 28-4-1974, lực lượng đặc công bí mật luồn sâu mở 10 lớp hàng rào, dùng bộc phá liên kết đánh bung hai cửa mở ở hướng bắc chi khu và 2 lô cốt đầu cầu, đồng thời hỏa lực của sư đoàn bắn phá các mục tiêu trong chi khu. Tiểu đoàn 502 và biệt động quân Sài Gòn yêu cầu không quân cùng pháo binh từ gò Măng Đa và tiểu khu Mộc Hóa chi viện. Sau 1 ngày chiến đấu giành nhau từng tấc đất, 18h ngày 29-4-1974, ta đã chiếm hoàn toàn chi khu Long Khốt, mở cửa cho chủ lực Quân giải phóng tiến về đồng bằng sông Cửu Long.
Có một phút lắng đọng cả không gian, mấy cựu chiến binh trung đoàn 174 như Nguyễn Quốc Dân, Phùng Ngọc Đồng, Đỗ Bá Ngọc, Trần Văn Hân ngậm ngùi cho biết, để có được chiến công ấy, riêng tại khu vực Long Khốt, Thái Trị, Măng Đa..., hơn 1.110 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã hy sinh, riêng Trung đoàn 174 có gần 800 chiến sĩ hy sinh tại Long Khốt. Đặc biệt, ở đơn vị trinh sát H5 thuộc Trung đoàn 174, hàng trăm bộ đội nằm lại dưới lòng sông Long Khốt, có người lấy được xác, có nhiều người mãi mãi nằm lại dưới sông sâu cả nửa thế kỷ nay.
Sau ngày đất nước thống nhất, tại đây thành lập Đồn biên phòng phiên hiệu 773 - đồn Long Khốt, nhằm bảo vệ khu vực biên giới trọng yếu này. Cuộc chiến giữ đất, giữ chủ quyền lãnh thổ thêm một lần thử thách sự kiên cường dũng cảm của quân và dân Long Khốt. Năm 1978, Long Khốt ghi dấu chiến công 43 ngày đêm (từ ngày 14-1 đến 27-2-1978) của lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An và quân dân địa phương. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Long Khốt đã anh dũng hy sinh để bảo vệ khu vực phía tây bắc tiền đồn Mộc Hóa, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của bè lũ “Khme đỏ” muốn đánh chiếm bằng được Mộc Hóa, Đức Huệ để làm bàn đạp tấn công các khu vực khác, qua đó tạo áp lực mạnh trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của ta và tiến thẳng về Sài Gòn. Với những thành tích vẻ vang, ngày 20-12-1979, Đồn biên phòng Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ấm áp nghĩa tình biên cương
Một niềm xúc động trào dâng khi chúng tôi vào viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Liệt sĩ hy sinh ở Long Khốt. Đền nằm ngay khu vực Đồn biên phòng. Tất cả không nói nên lời khi chứng kiến những phiến đá granit đen khắc danh sách hơn 7.000 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Long Khốt...
Khởi xướng ý tưởng từ nhà báo Trần Thế Tuyển, Trưởng ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 174, và các đồng đội, nhờ tấm chân tình và sự đồng hành, góp sức của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đặc biệt là được sự ủng hộ nhiệt tình của Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, các cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân Thái Bình Trung - Thái Trị, ngôi đền tưởng niệm đã được khởi công từ năm 2008, nay đã trở thành một địa chỉ “linh khí quốc gia” nơi cửa ngõ biên giới Tây Nam này. Đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ giỗ liệt sĩ, ngày 19-5-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận khu vực Đồn Long Khốt là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Việc công nhận khu vực đồn Long Khốt là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đáp lại sự mong mỏi của chính quyền, người dân và cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại chiến trường Long Khốt năm xưa. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng Trần Văn Cường cho biết: “Hơn 10 năm qua, vào dịp Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, các cựu chiến binh và người dân khắp nơi lại về đây dâng hương tưởng nhớ Bác và làm lễ giỗ liệt sĩ, thả hoa đăng trên dòng Long Khốt...”.
Không chỉ là “địa chỉ đỏ” mang tính tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện, xã kết hợp với Đồn Biên phòng chú trọng xây dựng miền biên thùy Long Khốt thành phên giậu quốc gia thật vững mạnh về kinh tế, an ninh trật tự. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý chặt chẽ địa bàn, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, cột mốc và kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng còn tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiều phong trào, mô hình thiết thực, hiệu quả như: “Nâng bước em tới trường”; “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Mỗi tuần một địa chỉ”; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương; tham gia sửa chữa cầu, đường, bảo vệ môi trường...
Trước khi rời Long Khốt, chúng tôi ghé qua bến sông. Khoảnh khắc trầm mặc khi nhìn hoàng hôn buông xuống dòng Long Khốt, nước trong vắt như những giọt nước mắt đồng đội trên bờ đang nhớ bạn... Gió thổi ràn rạt qua các ngọn cây, chiều tím loang mặt sông, những đốm nhang cháy đỏ, vòng khói quyện vào nhau không tan.
Đôi câu đối viết trên hai cột chính, khắc trên chuông đồng trong Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Liệt sĩ hy sinh ở Long Khốt, nguyên gốc là hai câu thơ trong bài thơ của cựu chiến binh - nhà báo Trần Thế Tuyển: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”, nghe âm vọng sự linh thiêng miền biên thùy này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.