(HNM) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thời Trần (1226-1400) là một giai đoạn phát triển huy hoàng với những đỉnh cao chói lọi cả về văn trị lẫn võ công, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, Thăng Long nói riêng.
Trong khoảng thời gian 175 năm tồn tại, vương triều Trần đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách, đánh thắng ba lần xâm lược của quân Mông - Nguyên vào các năm 1258, 1285 và 1288. Thời kỳ hưng thịnh, nhà Trần đã đẩy mạnh công cuộc phục hưng dân tộc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quai đê lấn biển và phát triển chiến lược, chiến thuật quân sự hùng mạnh. Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, quân sự của nước Đại Việt đã phát triển mạnh mẽ, đủ sức đương đầu với các thế lực xâm lược. Vương triều Trần cũng là một triều đại tiêu biểu cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc.
Ngự Thiên - Long Hưng xưa, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đất khởi nghiệp của vương triều Trần, hiện còn lưu giữ rất nhiều di tích, tư liệu lịch sử quý giá, thể hiện dấu ấn oanh liệt của một triều đại huy hoàng. Mặc dù đã có nhiều công trình viết về vương triều Trần nhưng đến nay vẫn còn tồn tại không ít ý kiến khác nhau về một số vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử thuộc giai đoạn này, chẳng hạn nguồn gốc nhà Trần; có hay không hành cung Lưu Đồn thời Trần ở Thụy Hồng (Thái Thụy, Thái Bình), những tồn nghi về Kỷ nhà Trần trong "Đại Việt sử ký toàn thư"... Cuốn sách Long Hưng - Đất phát nghiệp Vương triều Trần của nhà nghiên cứu Đặng Hùng (NXB Văn hóa - Thông tin) tập hợp hơn 30 bài viết, góp phần làm sáng rõ thêm nhiều sự kiện, gợi mở nhiều vấn đề lịch sử lí thú.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.