(HNM) - Rời Nha Trang chúng tôi lên đường đi Huế - thành phố thơ mộng, kiều diễm bên bờ Sông Hương, nơi lưu dấu sự hưng thịnh cũng như suy tàn của các triều đại phong kiến.
Người dân đón bộ đội giải phóng tại bến Năm Căn. Ảnh tư liệu |
Nhiều cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ kéo dài cả tháng trời, bất chấp sự đàn áp dã man của lực lượng quân đội, cảnh sát. Đi tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp băng rôn, khẩu hiệu thể hiện niềm vui và sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền Cách mạng. Cờ đỏ sao vàng, cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời rợp trời. Huế được giải phóng sớm, đủ thời gian cho mỗi gia đình tự "trang bị" một lá cờ… Sau mấy ngày ở Huế, cuộc hành trình quay ngược trở lại Đồng bằng sông Cửu Long và điểm dừng là nơi "gạo trắng nước trong". Chúng tôi không ở trong thành phố mà tìm ra ngoại ô.
Cần Thơ những ngày đầu giải phóng, người dân hồ hởi từ những vùng chạy loạn trở về với ruộng vườn của mình. Bà con bắt tay vào sửa chữa lại căn nhà, do chiến tranh bom rơi đạn lạc làm hư hỏng. Dù chưa khang trang, song nó được tạo dựng trong bối cảnh tự do, hòa bình. Ở đâu, vào lúc nào chúng tôi cũng bắt gặp niềm vui rạng rỡ trên gương mặt từ người già đến em nhỏ. Rút kinh nghiệm hôm ở Nha Trang, anh Nguyễn Trọng Oánh chia nhỏ đoàn ngay từ đầu. Tưởng thế là yên ổn nhưng bà con cô bác vẫn "kiện cáo" thắc mắc. Cuối cùng chúng tôi phải ở rải ra mỗi gia đình một ngày. Nhà chú Sáu Nhỏ tôi ở có 2 người con trai đều vào Quân giải phóng. Ở mãi tận bưng biền Đồng Tháp, quê hương giải phóng đã hơn một tuần mà chưa thấy ai về thăm nhà. Vợ chồng chú sốt ruột cứ hỏi hoài nhưng Quân giải phóng lớp chủ lực, lớp địa phương cả ngàn vạn người làm sao chúng tôi biết được. Chú Sáu là trường hợp ít con, ở đây có nhà năm, sáu người cả con trai con gái đều "vào cứ" hết. Bà con phải khai báo con cái đi làm ăn xa mãi tận Sài Gòn hay đâu đó, nhưng không thể "qua mắt" bọn ấp trưởng, xã trưởng. Bởi vậy muốn yên thân hằng tháng phải dúi tiền để chúng lờ đi cho. Bà con gọi là tiền "bảo lãnh", nhiều con thì nộp nhiều, ít con nộp ít. "Dù có vất vả khổ cực, nhưng vẫn sướng hơn con đi ngụy đem tiền về chú à", thím Sáu bảo tôi thế. Chính những tiêu cực đó đã góp phần đẩy nhanh chế độ ngụy tới tan rã.
Có một điều làm chúng tôi vô cùng xúc động là tấm lòng bà con cô bác vùng quê Nam Bộ này đối với Bác Hồ vô cùng thiêng liêng sâu sắc. Chưa một lần được gặp Bác, song ai ai cũng mang hình Bác trong tim. Tôi được nghe câu chuyện của ông Huỳnh Công Hiệp nhà ở đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Cần Thơ cất giữ tấm ảnh Bác Hồ đi thăm Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1958. Ông đã cắt tấm ảnh đó từ một tờ báo nước ngoài và gìn giữ như một "báu vật" trong nhà suốt mấy chục năm trời. Ông bảo rằng ông hiểu việc làm đó dưới chế độ cũ là vô cùng nguy hiểm, không chỉ riêng bản thân ông mà đối với cả gia đình, nhưng tình yêu Bác mãnh liệt khiến ông sẵn sàng chấp nhận. Ngày Cần Thơ được giải phóng, ông Hiệp tự hào mình là một trong số rất ít người có ảnh Bác Hồ treo. Ông Hiệp bảo tôi: "Chú tính cả rồi, nếu tụi nó khám xét phát hiện được chú sẽ giơ cao ảnh Bác đi ra ngoài đường hô lớn "Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm", để tụi nó bắn chứ không chịu đi tù. Mang hình Bác trong tim thì còn sợ gì chết".
Chuyện những gia đình làm cơ sở Cách mạng, mua gạo, mua thuốc tiếp tế cho bộ đội ngoài bưng biền, chiến khu, chuyện những người dân lao động nuôi giấu cán bộ Cách mạng trong nhà ở đây không thiếu. Càng đi vào dân, chúng tôi càng hiểu sâu sắc một điều tưởng đơn giản song lại vô cùng quan trọng mà không phải người cán bộ nào cũng làm được đó là biết dựa vào dân. Lòng dân là sức mạnh tiềm tàng, là điểm tựa vững chắc để chúng ta tiến hành thắng lợi mọi cuộc cách mạng mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, với chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Sau gần chục ngày rong ruổi đến nhiều miền quê, hiểu được bao điều về nhân tình thế thái, quyển sổ ghi chép mỗi ngày dày thêm, ai cũng thấy mình tự tin hơn. Là những người con miền Bắc vào Nam chiến đấu, nhưng chúng tôi đã được gặp dân bao giờ đâu, nhất là dân trong vùng kiểm soát của chính quyền ngụy. Đa phần họ có con em đã từng hoạt động trong chính thể ấy. Giờ đây con mắt chúng tôi đã nhìn sự vật khác trước, cảm nhận về người dân cũng khác trước - nghĩa là không vơ đũa cả nắm, không mặc cảm, định kiến. Suy cho đến cùng dân thì ở đâu cũng tốt, đáng tin cậy, ngoại lệ có những trường hợp do hoàn cảnh đưa đẩy bắt buộc mà thôi.
Chiều muộn từ Ô Môn (Cần Thơ) chúng tôi trở về Sài Gòn. Cũng như những lần trước, cuộc chia tay với các má, các chú... đầy lưu luyến. Ai cũng chỉ dặn một câu "mai mốt nhớ quay lại". Dừa, xoài, măng cụt tới tấp mang ra nhưng chúng tôi dứt khoát từ chối với lý do xe không còn chỗ để. Ra khỏi thành phố trời sập tối. Quãng đường phía trước hai bên là đồng ruộng. Lâu lâu lại gặp một ấp nhỏ chừng mấy chục căn nhà, do chiến sự nổ ra ác liệt, đồng bào đã dạt đi đâu đó, chưa về. Dù là con đường nối với Sài Gòn, nhưng ban đêm vẫn chưa trở lại nét sinh hoạt bình thường. Vắng vẻ, thưa thớt xe cộ, người ta sợ bị cướp. Thỉnh thoảng lại gặp một chiếc xe tăng M41, một chiếc GMC quân vụ cháy đen nằm bên vệ đường, khói từ xe bốc lên khét lẹt. Không phải lính chiến, trong xe chỉ có mấy khẩu súng ngắn K54, ai cũng nghĩ ra đi lúc này là khá mạo hiểm, nhưng không lên tiếng. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh là người phá tan sự im lặng bằng câu nói nửa đùa, nửa thật: "Súng ông Vọng đã lên đạn chưa đấy?"; rồi ông quay sang hỏi mọi người: "Chúng mình hy sinh lúc này có được liệt sĩ không nhỉ". Cùng với tiếng cười hậc hậc của trưởng đoàn, các nhà văn Võ Trần Nhã, Nam Hà, mỗi người bình một câu làm cho không khí trong xe khỏi chùng xuống.
Đang ngon trớn, chiếc Mazda bỗng rùng mình trở chứng. Nó cố lết thêm vài chục mét nữa rồi dừng hẳn. Một bên lốp sau bị thủng. Không có lốp dự phòng, xa thị trấn, không nhà dân biết giải quyết thế nào đây. Đêm cũng dần về khuya, xe cộ trên đường vắng ngắt. Một thử thách không mong ập tới. Chuyến công tác vào phút chót lại gặp sự cố, thật oái oăm. Không còn cách nào khác, đành phải nằm đường, thay nhau gác mà chợp mắt. Trưởng đoàn Nguyễn Trọng Oánh đưa ra quyết định sau một hồi bàn bạc. Nghe hơi người, đám muỗi đói nhào tới phả vào mặt vào cổ nhoi nhói. Chợt có chiếc xe máy pha đèn chạy lại. Một người đàn ông chừng ngoài năm mươi dựng xe hỏi: Xe mấy chú bị xì lốp à? Trời, giữa đường đêm hôm hổng có chỗ sửa đâu. Lúc nãy ngồi xe đò về qua thấy mấy chú cứ nhìn ngó hoài cái bánh sau là tôi biết bị hỏng ruột mà... Thì ra chú Sáu Lèo là thợ sửa chữa ô tô. Nhà chú trên thị trấn, có cái tiệm sửa xe nhỏ. Thấy xe của chúng tôi nằm đường, về nhà chú băn khoăn không yên, thậm chí lo lắng cho chúng tôi. Chưa kịp ăn cơm, chú dặn vội vợ rồi xách xe chạy thẳng một mạch hơn 20 cây số đến đây. Với bàn tay thuần thục của một người thợ, chú nhanh chóng tháo lốp về vá, chừng hơn tiếng sau chú quay trở lại, không quên mua cho mỗi người một ổ bánh mì kẹp thịt. Khi chia tay chú, chiếc kim đồng hồ trên tay tôi đã nhích tới con số 2.
Chuyện về những người dân miền Nam sau ngày giải phóng còn nhiều, nhiều lắm. Sự thực, lòng dân ở đâu cũng vậy - muôn đời là điểm tựa vững chãi, sức mạnh tiềm tàng, chỉ khi gần chúng ta mới hiểu được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.