LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Hànộimới xin giới thiệu bài bút ký Lòng Dân của nhà văn Lê Văn Vọng, người có gần 10 năm lăn lộn trên chiến trường miền Đông Nam bộ.
LTS: Đại tá, nhà văn Lê Văn Vọng có gần 10 năm lăn lộn trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Trước khi viết văn, làm báo, ông là một lính chiến, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới. Bị thương trong nhiều trận đánh, không được trực tiếp cầm súng, ông chuyển sang cầm bút. Có mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ở đội hình cánh quân phía Đông, sau khi phá tung "cánh cửa thép" Xuân Lộc của địch, chọc thủng tuyến phòng thủ Nước Trong, cùng với đại quân, ông vào tiếp quản Sài Gòn. Dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng ký ức của ông vẫn nóng hổi cảm xúc với những hình ảnh chân thật, cảm động. Nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Hànộimới xin giới thiệu bài bút ký Lòng Dân của nhà văn Lê Văn Vọng…
Thị xã Xuân Lộc. Ảnh tư liệu |
Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng (VNQGP) từ rừng về tiếp quản Sài Gòn. Sau khi ổn định nơi ăn chỗ ở, một hôm anh Nguyễn Trọng Oánh (phụ trách tạp chí) bảo: Tranh thủ lúc vừa giải phóng, mọi cái đang bề bộn ngổn ngang ta đi khảo sát xem đời sống người dân và tình cảm của họ đối với Cách mạng thế nào? Khi đã an bài rồi chắc chắn tình hình sẽ khác. Đúng là trong lúc giao thời, chính quyền cơ sở nhiều địa phương còn lúng túng, chủ yếu lãnh đạo bằng mệnh lệnh, người dân chưa hiểu hết Cách mạng, dễ có sự so sánh không hay, có đi mới biết được. Vậy là trong khi một số người chạy nơi này nơi kia tìm kiếm những căn nhà vô chủ (chủ di tản), hoặc những thứ đồ đạc đắt tiền thì mấy anh em ở Tạp chí VNQGP lên đường với một ý đồ hoàn toàn khác.
Tốp đi gồm Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Võ Trần Nhã, Lê Văn Vọng. Chiếc xe du lịch 4 chỗ hiệu Maza "nhặt" ở sân bay Tân Sơn Nhất do một cậu sinh viên Văn khoa Sài Gòn lái. Nhiều thị trấn chúng tôi đi qua dân sơ tán chưa về hết, cửa hàng, cửa hiệu vẫn đóng cửa im ỉm, căn cứ, chi khu địch khói bốc cao, tiếng đạn nổ đì đùng. Trên đường, xe quân sự, áo quần lính, đồ "quân tiếp vụ"… vứt bừa bãi. Chúng tôi dừng lại ngắm nhìn thị xã Xuân Lộc giữa thanh thiên bạch nhật, nơi Sư đoàn 18 ngụy dưới sự chỉ huy của tướng Lê Minh Đảo lập nên "cánh cửa thép". Viên tướng trẻ từng tuyên bố: "Tử thủ" Xuân Lộc, "quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá". Tại mặt trận này chúng ta đã phải huy động một lực lượng quân, vũ khí khá lớn. Để mở được "cánh cửa thép" đó, chỉ trong 11 ngày vây ép ta đã hy sinh 5.000 quân. Thiệt hại của phía địch còn lớn hơn rất nhiều. Xuân Lộc lúc này như một vùng đất chết. Nhà cửa đổ sập, trại lính tan hoang. Quần áo rằn ri phất phơ bên những mảnh tôn đạn pháo xé nát. Hiện trường một cuộc tử chiến còn nguyên dạng. Dưới lớp đất kia chắc hẳn vẫn còn không ít thi thể. Mùi tử thi, mùi khét nồng thuốc đạn làm ai cũng thấy ngạt thở. Không ai nói lời nào, mọi người đứng lặng như mặc niệm…
Đêm đầu tiên cuộc hành trình chúng tôi nghỉ tại thành phố Nha Trang. Cũng xin nói thêm rằng trong chuyến đi này mấy anh em chẳng ai có một thứ giấy tờ tùy thân nào, mỗi người chỉ một cây bút bi và quyển sổ ghi chép. Riêng anh Nguyễn Trọng Oánh thì còn giữ được cái giấy giới thiệu của Tạp chí VNQGP to bằng hai bàn tay mở, đi thâm nhập thực tế Trung đoàn 16 nhưng đã hết giá trị sử dụng hơn một năm rồi. Tuy nhiên, với chúng tôi lúc này cái "giấy thông hành" hiệu quả nhất là bộ quân phục Quân giải phóng, chiếc mũ tai bèo và đôi dép cao su. Bởi vậy trên suốt chặng đường dài từ Sài Gòn ra Nha Trang, qua nhiều chốt canh gác, kiểm soát của các lực lượng dân phòng, bộ đội địa phương, chúng tôi không phải dừng lâu hoặc bị làm khó. Ở đâu cũng vậy khi vừa thấy anh Oánh mở cửa xe bước ra, những người làm nhiệm vụ vai khoác súng đã niềm nở: "Mời các chú đi". Có nơi họ còn bỏ vào xe cho chúng tôi những chai nước lọc, Cocacola hoặc là một bao thuốc Rubi.
Khi tới thành phố biển Nha Trang trời đã về chiều. Ở rừng quá lâu, quen mắt với cây lá, suối khe, giờ đứng trước biển mênh mông, mặt biển đang chuyển dần từ màu xanh thẫm sang tím biếc ai cũng ngỡ ngàng về vẻ đẹp thơ mộng đắm đuối của nó. Những gợn sóng lăn tăn theo nhau vào bờ, hơi gió biển mát rượi và ngoài xa xa những hòn đảo, những con tàu buông neo… Mọi người đang say mê ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ thú biển Nha Trang chợt anh Oánh bảo: "Này các ông ơi, ta đi tìm chỗ nghỉ đi chứ". Người bảo vào Thành đội, người nói nên tìm một đơn vị chủ lực nào đó mà tá túc. Đang khi lúng túng chưa biết xử trí thế nào thì có 2 người một đàn ông, một đàn bà bước tới. Thoạt trông tưởng hai vợ chồng song không phải. Người đàn bà chừng ngoài 50 tuổi dáng người mập mạp, quý phái, là chủ một khách sạn loại sang. Người đàn ông ăn mặc giản dị, có vẻ là dân lao động. Người đàn bà lên tiếng trước: "Dạ thưa… chắc mấy chú vừa ở xa tới, tôi muốn mời mấy chú về khách sạn nhà tôi nghỉ. Ở đó tiện nghi đầy đủ, trên lầu cao ban đêm các chú có thể ngắm nhìn toàn cảnh vịnh biển Nha Trang, đẹp lắm…". Người đàn ông vội cắt ngang lời bà: "Nhà tôi ở chỗ góc đường kia, nếu các chú không chê, tôi mời về nhà tôi ở" - giọng ông lơ lớ tiếng Nghệ, nghe dễ gần. Bà chủ khách sạn lại khẩn khoản: "Xin cho tôi được nhận niềm vinh hạnh đón các chú"… Tôi rất muốn về ở khách sạn với hai lý do, một là cho biết những tiện nghi sinh hoạt của "tư sản" thành phố xem nó "sướng" hơn ở rừng ra sao. Khi vào Sài Gòn, Tạp chí VNQGP nhận bàn giao khu nhà làm việc từ một đơn vị của Sư đoàn 7, tiện nghi hầu như không còn gì, hai là để được ngắm cảnh biển đêm. Nhưng anh Oánh trao đổi với anh Nam Hà, Võ Trần Nhã rồi nói với người đàn bà quý phái đang đứng chờ: "Anh em chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của chị đối với Cách mạng, với Quân giải phóng, nhưng khách sạn là nơi để kinh doanh anh em tôi đến ở sẽ không tiện, xin chị thông cảm". Nét tươi vui hy vọng trên gương mặt người đàn bà vụt tắt, thay vào đó là vẻ thất vọng. Không riêng gì bà mà chính tôi cũng thấy buồn tiếc vì bỏ qua một cơ hội.
Chúng tôi theo ông Hai Thợ về nhà. Ngôi nhà 2 tầng không rộng lắm, diện tích mỗi tầng chỉ chừng 50m2. Cả nhà thực sự vui mừng, hơn thế họ còn tỏ vẻ hãnh diện, tự hào với bà con lối phố vì được tiếp đón bộ đội Giải phóng, vì nhà mình có người của Cách mạng đến ở… Bữa cơm tối đầm ấm không khí gia đình, thắm đậm tình quân dân. Hai anh Oánh, Nam Hà lại nhận được "đồng hương" xứ Nghệ. Ông Hai Thợ quê gốc Nghệ An, làm thợ trong ngành hỏa xa phiêu bạt vào Nha Trang rồi lấy vợ "đóng đô" luôn ở đây, tới khi giải phóng đã trên 40 năm. Ông sinh được 3 gái 1 trai. Cậu con trai út có tên là Thêm, người con gái đầu lấy chồng ngụy, nhưng là lính "Quân tiếp vụ" vừa đi trình diện chính quyền Cách mạng hôm trước. Người con gái thứ hai sinh viên năm thứ nhất trường luật, cô là thành viên đội xung kích giữ gìn an ninh trật tự khu phố, vắng nhà cả ngày lẫn đêm. Ông Hai Thợ tự hào kể rằng khi Huế, Đà Nẵng được giải phóng, ông hiểu rằng Nha Trang sớm muộn rồi cũng sẽ vào tay Cách mạng mặc dù quân ngụy ráo riết tăng cường lực lượng quyết tâm tử thủ thành phố này. Nghĩ vậy, ông đã mua một mảnh vải trắng to bằng mặt bàn cắt làm đôi, và để tránh sự theo dõi của mật vụ, chỉ điểm, bà ra chợ mua hai gói thuốc nhuộm màu đỏ, xanh. Lợi dụng lúc các con đi học ông bà nhuộm vải may thành lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng giấu kỹ trong nhà chờ thời cơ. Khi quân giải phóng tiến vào thành phố ông Hai Thợ đã giương cao lá cờ ra đón. Lúc đầu chỉ có một mình ông cũng thấy hơi run. Nhưng đi đến đâu số người nhập đoàn tăng lên đến đó, thành đoàn đông. Kể lại chuyện đó ông còn chưa hết xúc động tự hào: "Ở khu phố này nhà tôi có cờ Cách mạng sớm nhất".
Chúng tôi ở nhà ông Hai Thợ chưa được một ngày thì xảy ra chuyện. Số là một số bà con thấy nhà ông Hai Thợ có bộ đội Giải phóng ở, mà lại những 4 người, họ kéo tới thắc mắc "tị nạnh" với ông. Họ yêu cầu ông nên "phân phối" cho công bằng, mỗi gia đình được nuôi một người. Ông Hai Thợ dứt khoát không chịu. Người nói qua, kẻ nói lại làm cho không khí mỗi lúc thêm "nóng". Khi hiểu ra sự tình, anh Oánh cười lộ hàm răng ám khói thuốc lá: "Rắc rối rồi các ông ơi, thôi chúng ta phải phân tán đội hình, mỗi người ở một nhà không thì phiền cho ông Hai Thợ lắm". Phương án đó quả là bất khả kháng, chúng tôi không vui, song bà con rất đồng tình: "Các chú giải quyết vậy là hợp ý, hợp lòng tụi tui đó", người khác nói: "Vậy mới công bằng chớ…". Tôi được thím Tư Nhàn gần như "áp giải" về nhà thím ở trong một con hẻm chếch bên kia đường. Dạo ấy tôi mới ngoài 20 tuổi, thím gọi con xưng dì rất ngọt ngào. Hằng ngày mấy anh em chia nhau xuống địa bàn, đơn vị thâm nhập thực tế, tranh thủ ghi chép những điều mắt thấy, tai nghe ở một thành phố vừa được giải phóng; chứng kiến cảnh nhiều gia đình li tán mà thấy mủi lòng dù họ là người của chế độ cũ đã từng cầm súng chống lại Cách mạng. Những bài ca Cách mạng vang lên khắp nơi: Sân trường, các địa điểm họp đông người. Bữa cơm nào thím Tư Nhàn cũng gắp thức ăn bỏ đầy bát tôi. Thím chiều tôi hơn cả các con thím. Chồng thím mất trong một tai nạn giao thông trên đèo Cù Mông cách đây 5 năm. Thím nuôi hai đứa con bằng gánh hàng rong, tất tả suốt ngày. Nhà nghèo, song tấm lòng đối với Cách mạng của thím không nghèo. Hôm chia tay tôi thím rưng rưng nói: "Vào trong đó chừng nào ra đây con nhớ ghé nhà dì nghe"…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.