Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời xin lỗi

Người xây dựng| 30/05/2010 05:34

(HNM) - Buổi sáng, cả gia đình bạn tôi cuống quýt. Chương trình dành cho thiếu nhi nhân dịp 1-6 tại một địa điểm văn hóa mà vợ anh phải rất vất vả mới mua được vé diễn ra lúc 8h00.

Hai mươi phút trên xe, anh "ăn đủ" những lời phàn nàn từ vợ vì không hoàn thành nhiệm vụ gọi cả nhà dậy sớm. Đến nơi, muộn 10 phút, nhưng chương trình vẫn chưa bắt đầu. Trong khi một số gia đình đi muộn tỏ ra hoan hỉ thì nhiều gia đình đến trước lại càu nhàu: "Biết thế đi muộn!". Phải đến 8 rưỡi, chương trình mới mở màn, chẳng có lấy một lời xin lỗi khán giả vì sự muộn màng.

Ca diễn sau, khán giả cũng phải chờ đợi thêm chút nữa vì chương trình cũng bị muộn gần nửa tiếng. Và ban tổ chức cũng không có một lời xin lỗi nào.

Anh bạn tôi, mới ở nước ngoài về, ngạc nhiên lắm: "Ở nước ngoài, chuyện doanh nghiệp xin lỗi khách hàng, ban tổ chức xin lỗi công chúng… vì những bất tiện gây ra là điều bình thường. Nhưng ở Việt Nam mình, nói lời xin lỗi sao khó thế nhỉ?".

Tất nhiên, chuyện này có nguyên do là người Việt thuộc diện dễ tính nhất thế giới. Khi nhận dịch vụ chất lượng kém, ít ai phàn nàn, kiện tụng. Bị mất điện mà không được thông báo trước, họ không kêu ca nhiều; chương trình hội thảo, hội nghị, biểu diễn… bị muộn, họ ít phàn nàn mà tặc lưỡi chấp nhận; đường sá bị đào bới… mà không hề có tấm biển thông báo trên đó ghi lời xin lỗi vì sự bất tiện dành cho người đi đường như nhiều nước vẫn làm, cũng được người dân dễ dàng chấp nhận…

Ít bị phàn nàn, ít bị kiện tụng nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị coi chuyện xin lỗi như thứ hàng xa xỉ. Người gánh chịu thiệt thòi vẫn cứ âm thầm chấp nhận để rồi sau đó lại gánh những thiệt thòi, phiền toái mới.

Mọi chuyện cứ mãi như vậy?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lời xin lỗi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.