(HNM) - Đến dự hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng tại một đơn vị, gặp ngay phó ban tổ chức đảng ủy đang chỉ đạo bảo vệ: "Đúng 8h thì khóa cổng cho tôi nhé, nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Hỏi ra mới biết, do mấy lần quán triệt nghị quyết trước đó, dù hội nghị khai mạc từ 8h sáng, nhưng đến 9h vẫn có một số cán bộ mới lục tục đến vì lý do muôn thuở - tắc đường. Đến 10h, phía dưới hội trường đã vắng khá nhiều, bởi nhiều vị ra ngoài uống nước, hút thuốc, tự giải lao rồi tiện thể… trốn luôn vì "ở cơ quan có nhiều việc phải về chỉ đạo". Chính vì vậy, đợt này lãnh đạo đơn vị nọ mới phải dùng biện pháp "cổ truyền" là khóa cổng, để hội nghị được "đông đủ và đạt hiệu quả". Đáng tiếc đây không phải là tình trạng cá biệt.
Tại những buổi quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng ở nhiều nơi vẫn còn nặng tính hình thức, mới chỉ chú tâm số lượng đại biểu tham gia, còn chất lượng truyền đạt và thực thi NQ thế nào chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ hai phía: Công tác tổ chức, quản lý lớp chưa chặt chẽ, chưa dành thời gian thích đáng để đại biểu nghiên cứu thảo luận, giải đáp thắc mắc trong quá trình học tập; một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần, thái độ học tập thiếu nghiêm túc, nhận thức không đúng tầm quan trọng của vấn đề. Bên cạnh đó, một số cấp ủy còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết; nội dung đề ra còn chung chung, chưa sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Một số báo cáo viên trình độ còn hạn chế, ít có thông tin liên hệ thực tiễn địa phương, ngành, đơn vị; không nêu được những ưu điểm, khuyết điểm về các mặt hoạt động và phong trào ở địa phương có liên quan đến việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết; phương pháp triển khai còn nặng về đọc tài liệu, làm cho người nghe uể oải, thiếu tập trung.
Khắc phục bất cập nêu trên, việc quán triệt nghị quyết nên theo hướng đề cập thẳng vào những vấn đề cốt lõi, cơ bản, vấn đề mới, trong đó cần bổ sung tư liệu có tính thời sự và thông tin về tình hình địa phương, cơ sở, cơ quan đơn vị. Cần dành thời gian thỏa đáng cho học viên thảo luận, nêu và giải đáp thắc mắc, trao đổi thống nhất các giải pháp để thực hiện tốt nghị quyết. Đặc biệt là, nên khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu nghị quyết, tạo hiệu ứng nghe - nhìn trực quan, làm tăng tính hấp dẫn, giúp người nghe tiếp thu tốt hơn và có điều kiện ghi chép những nội dung cơ bản, cần thiết mà báo cáo viên nhấn mạnh, phân tích, liên hệ. Cùng với đó cần đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Vì đây là những người không chỉ hiểu rõ tình hình cơ sở mà còn trực tiếp chỉ đạo việc quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến cán bộ, đảng viên và tổ chức thực hiện sau này... Có như vậy, mới tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, để nghị quyết được triển khai có hiệu quả trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.