(HNM) - Sau hơn 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (1995-2010), hai dân tộc trên hai bờ Thái Bình Dương đang chứng kiến những bước hợp tác, trao đổi chưa từng thấy trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến giáo dục và an ninh quốc phòng...
Vậy mà bằng cái nhìn lỗi thời đầy hằn học, cuối tuần qua (giờ Việt Nam), Hạ nghị sỹ Ed Royce (đảng Cộng hòa) của bang Califonia đã ngạo ngược đưa ra cái gọi là Dự luật chế tài quyền con người Việt Nam nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của một đất nước có chủ quyền. Theo đó, ngài Ed đòi cấm một số thành viên Chính phủ Việt Nam vào Mỹ và quan hệ làm ăn với các công ty Mỹ.
Hành động can thiệp đầy thô bạo của dân biểu miền Tây này với dự luật trên đã dựa vào những thông tin xuyên tạc về sự phát triển của một đất nước, như một trung tâm đoàn kết và hòa giải trong khu vực cũng như trên toàn cầu, vừa được cả cộng đồng quốc tế công nhận (với cương vị Chủ tịch ASEAN của Việt Nam) trong năm vừa qua.
Sự thật là trong dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ, Hãng thông tấn Mỹ (AP) đã công bố một kết quả thăm dò tại Việt Nam cho thấy, 81% người được hỏi cho rằng đất nước đang đi đúng hướng và người Việt Nam rất lạc quan hướng tới tương lai. Liệu ông nghị Ed có biết thông tin này (?). Còn tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc kiểm điểm 10 năm (2000-2010) thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) ở thành phố New York vào cuối năm ngoái, Việt Nam đã trở thành điểm nhấn của nhiều phương tiện thông tin đại chúng Mỹ và quốc tế về thành công trong thực hiện MDGs, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Tại hội nghị, Việt Nam được các thành viên LHQ đánh giá là quốc gia có khả năng về đích sớm nhất trên toàn thế giới trong thực hiện MDGs theo ấn định của LHQ vào năm 2015. Đây là một đánh giá khách quan và hẳn ngài Ed không thể phủ nhận. Trong khi đó, Viện phát triển nước ngoài (ODI) của Anh trong một báo cáo mang tính toàn cầu cũng đã chỉ ra Việt Nam đang là quốc gia đi đầu với những nỗ lực chưa từng thấy trong giảm nghèo và cải thiện sức khỏe người dân...
Quyền con người là cụ thể và không mơ hồ chỉ hình thành, phát triển và hoàn thiện trên cơ sở truyền thống văn hóa và lịch sử cùng nền tảng đạo đức của một dân tộc. Và luật pháp được xây dựng trên những nền căn bản đó. Đây chính là quyền con người của mỗi quốc gia, dân tộc mà không thế lực nào có thể áp đặt. Sự tồn tại của các nền văn minh trên thế giới đến hôm nay đã chỉ ra điều đó. Nhiều nghị sỹ Mỹ trên Đồi Capitol hơn ai hết đều thấy rõ và hẳn không đồng tình với cách nhìn thiếu thực tế đến thế về Việt Nam của ngài Ed.
Vừa bước vào ngưỡng một quốc gia có thu nhập trung bình sau nhiều thập kỷ nỗ lực đi lên, những thành tựu Việt Nam đạt được hôm nay chưa thể khiến chúng ta thật thỏa mãn. Nhưng những mục tiêu đất nước đang hướng tới được cả dân tộc chung lòng và thế giới đồng thuận chỉ có thể có ở một quốc gia mà quyền con người được tôn trọng và đang được làm cho sâu sắc thêm.
Cùng với dự luật không thể được xem vì sự tốt đẹp trong tương lai giữa hai dân tộc Việt Nam và Mỹ, ngài Ed còn nài Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước "vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo". Đây là luận điệu cũ rích của một dân biểu không đại diện cho tinh thần bình đẳng bác ái của dân tộc Mỹ, không muốn thấy quan hệ Việt - Mỹ tiến lên phía trước và càng không thực tế khi nhìn vào quan hệ hôm nay giữa hai đất nước.
Quan hệ Việt - Mỹ vừa bước vào một thập kỷ mới với nhiều hứa hẹn trên tất cả các bình diện. Các nhà lập pháp và hành pháp và hai nước đều nhất trí đối thoại thẳng thắn trên tất cả những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Trên thực tế đã và đang diễn ra các cuộc đối thoại như vậy nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau để hợp tác cùng phát triển. Tiếng nói lạc lõng không phản ánh nguyện vọng chung của hai dân tộc từ một cái nhìn lỗi thời sẽ không thể đảo ngược được xu thế tất yếu của quan hệ hai nước đang cùng nỗ lực hướng tới tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.