(HNM) - “Giao lộ tình yêu” (do Saiga Film và Star Media Group sản xuất) vừa ra mắt khán giả tại Hà Nội, Cánh đồng bất tận (BHD) được chiếu trên toàn quốc vào ngày 22-10.
Còn Em hiền như ma sơ (Thiên Ngân và Sailywood Film Factory) đang quay, dự kiến sẽ chiếu vào cuối năm nay đã góp phần tạo ra sự thay đổi cho điện ảnh Việt Nam. Bởi trước đây, do sợ thất thu nên các nhà sản xuất chỉ chú ý làm phim chiếu tết. Một số dự án khác cũng đang khởi động, song số đầu phim sản xuất năm 2010 chắc chắn cũng không vượt quá 2 con số.
Những năm 90 thế kỷ trước, có năm phim sản xuất trong nước bao gồm phim truyện nhựa và phim truyện video lên tới con số trên 100. Cho dù phải “đội mũ” của các hãng phim quốc doanh song các nhà sản xuất tư nhân vẫn bỏ tiền làm phim. Lý do là phim nhập khẩu rất ít. Tính từ năm 1995 đến năm 2002, số lượng phim nhập khẩu trung bình chỉ ở mức 10-12 phim/năm. Nhưng năm 2002, khi Nhà nước cho phép tư nhân được sản xuất, nhập khẩu và phát hành thì phim nhập khẩu tăng dần. Cụ thể từ 50 phim năm 2007 lên hơn 70 phim năm 2008 và 106 phim năm 2008, trong đó Megastar Việt Nam nhập 50 phim, Thiên Ngân nhập 30 phim, còn lại là của BHD và Lotte Cinema. Dự kiến năm 2010, Việt Nam nhập khoảng 150 phim, trong đó 50 phim của Megastar Việt Nam, 30 phim của Thiên Ngân và 20-30 phim của BHD…
Tuy nhiên số lượng phim nhập có thể tăng lên nữa khi một số công ty khai trương các cụm rạp mới. Sở dĩ các đơn vị tư nhân thích nhập hơn sản xuất vì trước tháng 1-2009, thuế nhập khẩu là 0%, từ tháng 1-2009 dù tăng lên 5%, nhưng vẫn là quá thấp đối với sản phẩm văn hóa. Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung quy định phần góp vốn của nước ngoài trong sản xuất và phát hành là dưới 51%, song trước đó, 3 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã được cấp phép và chỉ cần thế thôi cũng đủ chi phối thị trường điện ảnh Việt Nam. Dù Luật Điện ảnh quy định: các hãng chỉ được phép nhập khẩu gấp hai lần số phim do họ sản xuất nhưng thực tế có hãng chỉ sản xuất 2 phim/năm lại nhập gấp hàng chục lần... cũng chẳng sao. Phim nhập hầu hết là phim Mỹ với đủ loại đề tài, trong đó có không ít phim được gọi là “bom tấn”, cũng không ít phim phát hành cùng ngày với các thị trường điện ảnh lớn trên thế giới. Khi số lượng phim nhập khẩu tăng lên thì phim sản xuất trong nước giảm dần, năm 2008 cả nước chỉ sản xuất vỏn vẹn có 6 phim.
Không nhập khẩu, dân không có phim xem, còn nhập khẩu và cho nhập nhiều thì điện ảnh trong nước teo tóp. Chuyện đó dẫn đến nghệ sĩ trong nước không có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, điện ảnh Việt Nam không thể trở thành ngành công nghiệp. Nhưng hơn tất cả là không giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc như chúng ta vẫn nói. Nhiều đơn vị sản xuất phim trong nước đã kiến nghị giảm thuế doanh thu, giảm tiền ăn chia với các rạp do Nhà nước quản lý, tạo quỹ phát triển điện ảnh... Tuy nhiên, lời thỉnh cầu ấy đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Một khi vẫn chưa chấp thuận thì...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.