(HNM) - Tại căn nhà nhỏ, cũ kỹ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), chúng tôi đã gặp một trong những
16 tuổi, Trần Bá Thế (sau này đổi tên thành Trần Trọng Bích) đã khá già dặn. Một hôm, bọn tề trong xã đến xét nhà, cậu cứng cỏi nói: "Cho tui xét mấy ông trước đã!". Thấy cậu trai mới lớn ánh mắt sắc lẹm, kiên quyết, bọn tề đâm ra… ngán. Vài hôm sau, cậu thanh niên trẻ vùng Tân Châu (tỉnh Châu Đốc) lại làm chuyện "động trời" khác - thay mặt dân làng viết đơn kiến nghị đòi giảm tô thuế cho dân. Những lời lẽ đanh thép, lập luận đâu ra đó của cậu, một lần nữa lại làm bọn giặc… ngán ngại. Dần dà, những người dân trong huyện "khi có chuyện" đều tìm đến cậu Thế mách nước giải quyết. Cậu thanh niên được lòng dân ấy đã được tổ chức Đảng bắt đầu "để ý".
Đồng chí Lê Hồng Thiệt (Huyện ủy viên Huyện ủy Tân Châu) - một người quen của Trần Bá Thế tìm đến đặt vấn đề: "Đảng rất cần sự ủng hộ của dân. Mà tui thấy dân địa phương tín nhiệm cậu quá. Cậu nên gia nhập tổ chức Đảng. Thôi, vào Đảng đi…". Lời kêu gọi ấy đã "hút" Trần Bá Thế theo Đảng. Ngày 10-6-1931, Trần Bá Thế run run đọc lời tuyên thệ nguyện một lòng theo Đảng. Cả Huyện ủy Tân Châu lúc ấy, thêm Thế nữa cũng chỉ mới có cả thảy 5 đảng viên.
Hoạt động tại quê hương Tân Châu, nhiều năm sau đó, Thế được bà con nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng trước họng súng kẻ thù. Đến năm 1938, anh bị địch bắt, giam tại nhà tù Châu Đốc, rồi đưa lên Sài Gòn để khai thác. Những đòn tra tấn dã man không làm anh nao núng. Cuối cùng, chúng buộc phải thả anh ra vì không tìm được bằng chứng. Nhưng chỉ vài tháng ngắn ngủi sau, anh lại sa vào tay giặc lần nữa. Lúc này, anh đã là Thường vụ Tỉnh ủy Châu Đốc. Mấy tháng trời, chúng giam anh ở Sa Đéc. Những trận nhục hình làm anh "chết đi sống lại" đến mấy bận nhưng anh vẫn không đầu hàng, không khai báo, kiên định đấu tranh với kẻ thù và với cả tử thần. Không khuất phục được người cộng sản trẻ, chúng tuyên anh 5 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo.
Tại đây, cùng với những đồng chí, đồng đội của mình là Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh… anh lại bước vào một cuộc đấu tranh mới. Năm 1944, anh được trả tự do. Suốt những năm dài sau đó, anh lại tiếp tục hoạt động trong lòng địch. Vì bị giặc treo thưởng với "giá hời", tổ chức khuyên anh nên thay tên đổi họ để dễ bề hoạt động. Và cái tên mới Trần Trọng Bích ra đời từ đó. Những năm sau đó, người chiến sĩ kiên trung Trần Trọng Bích tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông vào Nam ra Bắc, chiến đấu cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng…
Người đảng viên 79 năm tuổi Đảng Trần Trọng Bích ngày nay đã đi đứng chậm chạp, trên mình vẫn còn nhiều di chứng bởi những trận tra tấn thấu xương của địch. Bằng giọng nói run run, ông hồi hộp kể lại giây phút đọc lời thề trước Đảng, vẫn nguyên vẹn cảm xúc thổn thức năm nào. "Lời thề trước Đảng ngày ấy theo tôi suốt cuộc đời, giục giã tôi phải sống và đấu tranh hết mình".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.