Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi nhuận chủ yếu của ngân hàng đến từ đâu?

Hương Thủy| 07/11/2018 17:45

(HNMO) - Tăng trưởng tín dụng chậm lại nhưng kết quả kinh doanh của ngân hàng vẫn khả quan với không ít nhà băng đạt lợi nhuận 9 tháng tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Vậy, lợi nhuận ngân hàng đến chủ yếu từ đâu?


Bức tranh sáng màu

Đến thời điểm này, hầu hết ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2018. Kết quả cho thấy lợi nhuận ngân hàng là bức tranh sáng màu. Trong những ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dẫn đầu về lợi nhuận với lũy kế 9 tháng lãi trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, lãi ròng 9.377 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) rất khả quan khi đến ngày 31-10-2018, lãi trước thuế của nhà băng này ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả tích cực này, năm 2018 Agribank có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong lịch sử.

Lợi nhuận ngân hàng khả quan (Khách hàng giao dịch tại Abbank, ảnh: Internet)


Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước trong khi thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đạt 13.294 tỷ đồng, tăng 25%.

Với ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng từ mức 4.376 tỷ đồng hồi giữa năm lên 6.125 tỷ đồng. Cũng sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt gần 4.780 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kì năm trước, tương đương 84% kế hoạch năm.

Ở nhóm thấp hơn, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP An Bình (Abbank) cũng được ghi nhận khả quan. TPBank đạt 1.613 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2017, hoàn thành xấp xỉ 75% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế của Abbank tăng 54% so với cùng kỳ, đạt 658 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) tăng 16%, đạt gần 178 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng có ngân hàng đạt lợi nhuận tốt nhưng trích lập dự phòng đã “ăn mòn” lợi nhuận. Chẳng hạn, trong 9 tháng, lợi nhuận của Ngân Hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đạt 2.741 tỷ đồng, tăng tới 340% so với cùng kỳ. Ngân hàng phải trích 2.528 tỷ đồng chi phí dự phòng và chiếm tới 92% lợi nhuận thuần làm ra. Do đó, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 212,5 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, SCB đã hoàn thành được 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.

Tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank),  tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 289 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn vượt chỉ tiêu gần 50% so với kế hoạch đã đề ra cho cả năm 2018 (194 tỷ đồng). Sự sụt giảm về tổng lợi nhuận trước thuế xuất phát từ việc Maritime Bank đã thực hiện trích lập dự phòng khá cao.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Nhìn chung, đóng góp lớn vào lợi nhuận các ngân hàng vẫn là mảng tín dụng nhưng tỷ trọng của mảng này giảm đáng kể do hạn chế tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, nguồn thu nhập chính của Vietcombank đến từ tín dụng nhưng mảng kinh doanh cốt lõi này đã có phần giảm so với cùng kỳ, từ mức 74% xuống 71%. Động lực tăng trưởng chính của SCB cũng đến từ tín dụng khi trong 3 quý, thu nhập lãi thuần của nhà băng này tăng tới 119%, đạt 3.468 tỷ đồng. Tại VPBank, dư nợ cấp tín dụng đạt 211.092 tỷ đồng, tăng 17%.

Một trong những nguồn thu quan trọng khác là từ mảng dịch vụ, phí. Tại Vietcombank, lãi từ dịch vụ đạt 2.628 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Theo TPBank, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này đạt 440 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập thuần từ các hoạt động dịch vụ tiếp tục được Maritime Bank đẩy mạnh, đạt gần 320 tỷ đồng, tăng gần 42%. Lãi thuần dịch vụ của Abbank đạt hơn 130 tỷ đồng, tăng 60% so với 6 tháng đầu năm 2018. Ở VPBank, nguồn thu từ phí tăng 38% so với quý II-2018.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng có nguồn thu từ hoạt động khác, trong đó có giảm chi phí dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần.

Chẳng hạn, tại ACB, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III giảm tới 59%. Chi phí dự phòng rủi ro của KienLongBank cũng giảm tới 56% so với cùng kỳ. Tại Techcombank, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động do Techcombank đã xử lý xong nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Vietcombank có nguồn thu từ góp vốn mua cổ phần tới 581 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ, góp phần giúp lợi nhuận đạt cao…

Với diễn biến này, dự báo, đến cuối năm, nhiều ngân hàng sẽ cán đích lợi nhuận, thậm chí có nhà băng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất cho vay đang có xu hướng nhích lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận chủ yếu của ngân hàng đến từ đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.