Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời giải cho ”bội chi” xe công

Kính Lúp| 16/11/2015 06:38

(HNM) - Sở dĩ có tình trạng

Sở dĩ có tình trạng "bội chi" xe công là do vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, việc điều chuyển xe giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền. Đó là chưa kể việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ; định mức quy định chưa phù hợp; việc thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí... Từ đó, chi phí cho việc sử dụng xe khá lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn (hơn 320 triệu đồng/xe/năm). Đã vậy, quy định về thời gian, số ki lô mét sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế; quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng; tình trạng sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe đưa đón sai đối tượng… vẫn diễn ra.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, để phù hợp với thực tế, khi các phương tiện giao thông công cộng, xe cá nhân đã phát triển, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg (ngày 4-8-2015) quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21-9-2015.

Theo các chuyên gia, thực hiện quyết định mới trên sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại và mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế (chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng). Đặc biệt, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt, số tiền tiết kiệm được có thể tới 15% tổng giá trị mua sắm. Được biết, chi mua sắm tài sản nhà nước hằng năm chiếm khoảng 20% chi ngân sách (tương đương 200.000 tỷ đồng/năm).

Như vậy, nếu mua sắm tập trung các hàng hóa, dịch vụ, hằng năm sẽ tiết kiệm chi ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả. Nếu việc mua sắm công được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch sẽ hạn chế được tiêu cực, tham nhũng. Theo phương án này, từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm công sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung, gồm 2 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công được tăng cường do số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm công giảm lớn…

Với cách làm này sẽ khắc phục được tình trạng "bội chi" xe công, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua chính sách và hiện thực hóa chủ trương mua sắm công tập trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời giải cho ”bội chi” xe công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.