Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗi của người lớn

Hà Phong| 12/05/2012 06:42

(HNM) - Liên tiếp từ đầu năm 2012 đến nay, TAND các tỉnh, thành phố đã xét xử hàng loạt vụ án xâm hại trẻ em. Lý do dẫn đến những vụ việc đau lòng này lại hết sức đơn giản, song người lớn đã bỏ qua hoặc không biết, nên vô tình tiếp tay cho


Nhiều chuyện đau lòng

Chuyện đau lòng thường xảy ra đối với các gia đình buông lỏng quản lý con em mình. Điển hình là vụ Hoàng Xuân Trọng (SN 1992, nguyên sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch) vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 8 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân là NTM (SN 1998) từ Lạng Sơn lên Hà Nội ở nhà người thân để học phổ thông. Thấy M. xinh xắn, Trọng lân la làm quen cô bé. Thiếu sự kiểm soát của người lớn, tình cảm của đôi trẻ ngày càng vượt quá phạm vi cho phép. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7-2011, M. đã chủ động trao thân cho Trọng tại nhà riêng của Trọng 3 lần. Sự việc được mẹ M. tình cờ phát hiện sau đó và gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo.

Đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em ở lứa tuổi nhỏ hơn, đối tượng thực hiện hành vi đa số có quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ, thậm chí họ hàng, người thân trong gia đình. Cũng vì vậy mà các bậc phụ huynh thường thiếu cảnh giác, không đề phòng. Tôi gặp bé NTH (quê ở Sóc Trăng) trong một ngôi nhà trọ nhỏ, mái lợp tôn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Bé H. mới 10 tuổi, mỗi ngày dành phần lớn thời gian phụ bố, mẹ phân loại những thứ đồng nát mua được. Cả gia đình sống rất nghèo đói, vì tích cóp được bao nhiêu tiền, bố mẹ lại đưa H. đi chữa bệnh trầm cảm. Tất cả những chi tiết ấy chắc chắn không thể nào được ghi trong bản cáo trạng hai năm trước TAND tỉnh Sóc Trăng đã xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em mà H. chính là nạn nhân, mà thủ phạm là một người bạn của bố H. "Yêu râu xanh" lĩnh án 15 năm tù giam nhưng gia đình nạn nhân luôn lâm vào cảnh lục đục; bé H. bị bạn bè trêu trọc, ám ảnh không dám đến trường. Do đó, bố, mẹ em đành bỏ nhà cửa, đưa con lên Hà Nội với sự trợ giúp của người thân, những mong em tránh xa được búa rìu dư luận, tiếp tục đi học. Nhưng thời gian lên đã lâu mà H. chưa hết bệnh, không chịu đến trường.

Câu chuyện của H. và M. có lẽ chỉ là một dẫn chứng rất điển hình.

Và day dứt khôn nguôi

Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ CA), ở Việt Nam, trung bình hằng năm xảy ra khoảng 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói, con số này còn có thể lớn hơn vì có rất nhiều vụ gia đình nạn nhân không tố cáo do đã tự thương lượng hoặc sợ ảnh hưởng đến tương lai con gái. Mặt khác, còn không ít bé bị xâm hại tình dục một cách nghiêm trọng nhưng cũng không dám nói với cha, mẹ hoặc những người thân vì bị đe dọa, do đó vô tình trở thành nạn nhân của những kẻ bệnh hoạn.

Luật sư Nguyễn Ngọc Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) - người tiếp xúc, bảo vệ quyền lợi rất nhiều em bị xâm hại tình dục khẳng định: Không một cháu bé nào bị xâm hại tình dục mà thoát được cảnh khủng hoảng tinh thần hoặc rối loạn rất nặng nề về sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng đến khả năng học tập, hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, ngoài khung tù giam (trung bình là 8 - 20 năm), thủ phạm chỉ phải bồi thường những tổn hại về vật chất được chứng minh, còn hậu quả nạn nhân gánh chịu thì còn dài và nặng lắm. Tiếc rằng đang có hiện tượng, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường lo ngại về việc trẻ bị bắt cóc, tai nạn trong chơi đùa, đi lạc, chậm phát triển... mà ít để ý đến vấn đề xâm hại tình dục đối với trẻ. Do đó, người lớn thường ít căn dặn con trẻ đề phòng với nạn này và chưa hướng dẫn cách ứng phó tốt nhất. Chưa kể có không ít bà mẹ khuyến khích trẻ ăn mặc "mát mẻ" vì trông dễ thương. Đó có thể là những tiền đề dẫn đến hậu quả không hay cho các em. Nhìn nhận lại các vụ án xâm hại tình dục cũng cho thấy, gia đình nạn nhân thường buông lỏng giáo dục nhân cách, ít có sự quan tâm đến con cái cũng như những biểu hiện không bình thường của chúng. Nhiều vụ diễn ra trong một thời gian dài mà bố, mẹ không hay biết, chỉ đến khi con gái mang thai gần đến ngày sinh, họ mới ngã ngửa… Ở góc độ xã hội, giải quyết khủng hoảng tâm lý cho trẻ vị thành niên hiện vẫn đang là khoảng trống tại Việt Nam. Các giáo viên chưa được trang bị kỹ năng trò chuyện với học sinh; nhà trường không có hộp thư bày tỏ cảm xúc. Hầu hết các địa phương đều chưa có nơi cho trẻ tin cậy sẻ chia nên không phải trẻ nào cũng tìm được địa chỉ giúp đỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗi của người lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.