Nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đã tiết lộ về tác động của lượng carbon thải ra cách đây 56 triệu năm đối với đại dương, qua đó cung cấp hiểu biết quan trọng về tác động của biến đổi khí hậu hiện nay.
Được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Bắc Kinh, Đại học bang Pennsylvania, Đại học California và nhiều viện nghiên cứu khác cùng thực hiện.
Theo Tân Hoa xã, các nhà khoa học đã tái tạo lại trạng thái axit hóa đại dương trong thời kỳ Cực đại nhiệt (PETM). Đây là sự kiện khí hậu được đánh dấu bằng mức gia tăng đáng kể của nhiệt độ toàn cầu và sự gián đoạn lớn đối với các hệ sinh thái. Nghiên cứu đã phát hiện sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa quá trình axit hóa đại dương trong thời kỳ PETM và xu hướng hiện tại do lượng khí thải carbon gia tăng trong khí quyển.
Trong thời kỳ PETM, lượng khí thải carbon tăng đột biến khiến độ pH của đại dương giảm mạnh, làm giảm lượng ion cacbonat cần thiết để sinh vật biển hình thành vỏ - một thành phần quan trọng để lưu trữ carbon trong đại dương.
Thông qua đồng hóa dữ liệu khí hậu cổ đại (phương pháp kết hợp nguồn dữ liệu gián tiếp cung cấp bằng chứng về điều kiện khí hậu trong quá khứ với mô phỏng mô hình hệ thống Trái đất), các nhà khoa học đã tái tạo lại những thay đổi trong hóa học đại dương. Ước tính, nồng độ khí thải carbon trong khí quyển tăng từ 890 phần triệu (ppm) lên 1.980 ppm ở thời kỳ PETM, kèm theo độ pH trung bình của đại dương giảm 0,46 đơn vị.
Giáo sư Đại học Bắc Kinh Li Mingsong nhận định, những phát hiện mới nhất này là lời cảnh báo rõ ràng cho tương lai, đồng thời lưu ý rằng tốc độ phát thải carbon hiện tại nhanh hơn nhiều so với thời kỳ PETM. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học, đặc biệt tại những khu vực dễ bị tổn thương như Bắc Cực.
Theo các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, những phát hiện này nhấn mạnh hậu quả lâu dài của sự gia tăng lượng khí thải carbon, đồng thời nêu bật nhu cầu cấp thiết của các nỗ lực ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu nhằm mục đích bảo vệ đại dương và đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.