(HNM) - Mới đây chính quyền thành phố Tokyo đã quyết định cấm lưu hành và bán các loại truyện tranh cũng như phim hoạt hình có nội dung không lành mạnh cho thiếu niên dưới 18 tuổi. Quyết định này ngay lập tức châm ngòi cho những tranh cãi được dự báo
Truyện tranh là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Thực tế cho thấy, truyện tranh có mặt khắp nơi ở Nhật Bản. Người ta có thể thấy truyện tranh trên xe lửa, trong tiệm cắt tóc, nhà hàng, văn phòng công ty, các nhà xưởng và thẩm mỹ viện v.v... Thậm chí nhiều hiệu sách còn sẵn sàng bỏ ra một phần hai diện tích để trưng bày truyện tranh và không quên ghi dòng chữ "không đọc ké". Với những ai chợt lên "cơn nghiện" truyện tranh vào nửa đêm cũng có thể tìm mua được ở những máy bán tự động đặt ở hầu hết các thành phố lớn. Lý giải về "hiện tượng" của trào lưu đọc truyện tranh ở Nhật Bản, nhiều nhà kinh doanh cho rằng, truyện tranh không thể phát triển được nếu không có nhu cầu thực sự. Và nhu cầu này thoạt đầu xuất phát và hình thành do nhu cầu của trẻ em, để rồi ngày nay lan rộng trong các tầng lớp người dân Nhật Bản.
Không thể phủ nhận những gì mà manga đã mang lại cho ngành công nghiệp giải trí cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nhật Bản hiện nay. Với con số 2,26 tỷ ấn bản mỗi năm (trung bình 17 quyển/người), chiếm trung bình 40% tổng số ấn bản sách báo, tạp chí, truyện tranh đã và đang đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho thị trường xuất bản ở Nhật Bản. Theo số liệu thống kê gần đây của Viện Nghiên cứu xuất bản Nhật Bản, doanh thu từ ngành công nghiệp xuất bản truyện tranh đã vượt con số 500 tỷ yên (trung bình mỗi người Nhật bỏ ra 3.777 yên/năm, tương đương 30 USD để mua truyện tranh).
Song bên cạnh đó, những mặt trái do tác hại của truyện tranh gây ra cho giới trẻ Nhật Bản cũng không hề nhỏ. Thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản đã lo ngại khi lên tiếng cảnh báo về những truyện tranh có nội dung không lành mạnh đang ngấm ngầm đục khoét tâm hồn giới trẻ nước này. Trong bối cảnh đó, chính quyền thành phố Tokyo đã đưa ra quy định không chỉ cấm các nhà xuất bản bán những chuyện tranh và phim hoạt hình có nội dung độc hại, bạo lực, tình dục... cho thiếu niên dưới 18 tuổi, mà còn kêu gọi các họa sĩ và nhà xuất bản giảm bớt các nội dung nhạy cảm trong các bộ truyện tranh và hoạt hình.
Mặc dù đến tháng 7-2011 quy định về cấm truyện tranh từ tòa thị chính Tokyo mới có hiệu lực và nhà xuất bản nào vi phạm sẽ bị phạt lên đến 3.500 USD, nhưng quyết định này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà xuất bản. Trong khi Thị trưởng Tokyo Shitaro Ishihara cho rằng, quy định mới là việc làm cần thiết để bảo vệ tương lai của giới trẻ Nhật Bản trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay thì, các nhà xuất bản lại phản đối, cho rằng Thị trưởng Shitaro Ishihara đã âm thầm vận động thông qua quy định mà không tham khảo ý kiến các nhà xuất bản. Nhiều họa sĩ cũng cho quy định này là "vi phạm quyền tự do thể hiện", "làm hỏng sức sáng tạo của các họa sĩ".
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của các nhà xuất bản, đặc biệt là một nhóm gồm 10 nhà xuất bản truyện tranh hàng đầu Nhật Bản tuyên bố sẽ tẩy chay Hội chợ Truyện tranh quốc tế diễn ra tại Tokyo vào tháng 3-2011 tới, đe dọa làm sụp đổ một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản, Thủ tướng Naoto Kan đã lên tiếng trên blog cá nhân kêu gọi các bên liên quan kiềm chế; tránh làm hỏng sự kiện Hội chợ Truyện tranh quốc tế Tokyo.
Quy định mới về truyện tranh của Tokyo được xem là rất cần thiết với tương lai của thế hệ trẻ Nhật Bản. Đây là lời cảnh báo khẩn cấp không chỉ với Nhật Bản, mà với tất cả những quốc gia đang buông lỏng quản lý những văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh với giới trẻ; trong đó có không ít văn hóa phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Tuy nhiên, để làm trong sạch thị trường truyện tranh ở Tokyo nói riêng và ở các nước nói chung, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn của nhiều cơ quan liên quan cũng như ý thức của cá nhân. Đặc biệt là ở những nước mà văn hóa phẩm độc hại được bày bán công khai hoặc in lậu không thể kiểm soát nổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.