Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời cảnh báo nguy hiểm

Trung Hiếu| 05/02/2012 07:23

(HNM) - Căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đang bị đẩy tới giới hạn nguy hiểm, dường như chỉ trực chờ bùng phát.


Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ehud Barak đe dọa triển khai hành động quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran thì ngày 3-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, thế giới phải cùng nhau ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm gây sức ép buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân đáng ngờ của nước này. Đồng thời, người đứng đầu Lầu Năm Góc còn nhấn mạnh việc để ngỏ mọi lựa chọn đối với Tehran nếu chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad không từ bỏ tham vọng hạt nhân. Thậm chí, xã luận đăng trên tờ Bưu điện Washington (Mỹ), ngày 2-2, còn cho biết, "rất có khả năng" Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran trong mùa xuân này. Giới truyền thông còn tiết lộ thông tin rằng, Mỹ đã triển khai phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B tại căn cứ không quân Al Ubaid (Qatar), trong số đó có nhiều máy bay vận tải quân sự S-17, S-130, máy bay tiếp nhiên liệu RC-135 và RC-10, các máy bay trinh sát của hải quân P-3 "Orion" và máy bay phát hiện rađa từ xa E-8...


Trẻ em Iran luôn ước mơ cháy bỏng cho nền hòa bình tại đất nước mình.

Trước những diễn biến mới của cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, dư luận vùng Vịnh cho rằng, đây là những "thông điệp" mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Mỹ và đồng minh gửi tới Tehran. Nó như "tiếp lửa" vào các biện pháp bao vây, cô lập nước Cộng hòa Hồi giáo này với thế giới. "Thông điệp" vừa phát đi chỉ diễn ra ít lâu sau khi Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran. Cuộc siết chặt bao vây của phương Tây với chính quyền của Tổng thống M. Ahmadinejad và sự triển khai các hành động quân sự đã dập tắt hy vọng vừa nhen nhóm sau chuyến thanh sát tới Iran của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), kết thúc ngày 31-1 vừa qua.

Bởi trước đó, đoàn thanh sát của IAEA kết thúc ba ngày làm việc tại quốc gia Trung Đông này với nhiều hứa hẹn. Mặc dù, đoàn thanh sát viên không tới thị sát cơ sở hạt nhân nào của Iran, mà chỉ thực hiện "sứ mệnh" đàm phán với các quan chức Tehran. Thêm vào đó, nội dung của các cuộc thảo luận và những người tham gia không được tiết lộ. Nhưng việc hai bên đã lên kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo về chương trình hạt nhân của Iran đã cho dư luận thấy, lòng tin đang dần được tạo dựng. IAEA cho biết, hai bên sẽ tổ chức một hội nghị nữa tại Tehran trong hai ngày 21, 22-2 tới.

Tuy nhiên, tất cả giờ đây đã khác. Hy vọng vừa được IAEA nhen nhóm đã bị dập tắt. Những gì đang diễn ra khẳng định với thế giới rằng, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã cạn niềm tin với chính quyền của ông M. Ahmadinejad. Đó sẽ là một hệ lụy vô cùng nguy hiểm, đẩy khu vực Trung Đông cận kề thùng thuốc súng hơn bao giờ hết. Điều này đã được lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo ngày 3-2. Trong một bài phát biểu với các tín đồ phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, Giáo chủ Khamenei nêu rõ, Iran sẽ có những đe dọa riêng vào thời điểm thích hợp. Trước đó, báo chí phương Tây dẫn nguồn tin cho biết, Tehran đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong 12 tháng tới và tướng Aviv Kochavi, Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Israel vừa khẳng định rằng, Iran hiện có khả năng sản xuất bốn quả bom hạt nhân và có bằng chứng cho thấy "Tehran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân".

Phản ứng từ Tehran đã khiến dư luận lo ngại. Cuộc tập trận ở eo biển Hormuz, hồi trung tuần tháng 1-2012, Tehran muốn cho thế giới thấy một tiềm lực quân sự đáng ngại, đủ để có thể đóng cửa eo biển Hormuz nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU. Chưa hết, ngày 30-1, chính quyền Tehran còn công bố những tiến bộ quân sự mới. Đó là ra mắt máy bay không người lái tự chế mang tên A1, đạt tầm cao tối đa hơn 3.000m và có khả năng bay ít nhất là 2 giờ.

Hiện tại, không ai mong muốn cuộc chiến nổ ra. Nó sẽ gây dư chấn vô cùng nặng nề không chỉ với khu vực Trung Đông mà ảnh hưởng đến cả thế giới. Một cuộc chiến vùng Vịnh mới sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của người dân ở nhiều quốc gia giữa lúc cơn suy thoái kinh tế thế giới chưa giảm nhiệt. Với những gì đang diễn ra, hy vọng một chiều hướng tích cực về giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vào lúc này là vô cùng mong manh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lời cảnh báo nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.