(HNM) - Từ nhiều năm nay, chuyện bãi gửi xe máy, ô tô ở khu vực trung tâm thành phố hay các khu thương mại, các tuyến phố có nhiều cửa hàng dịch vụ trở thành vấn đề bức bối không chỉ của Hà Nội mà còn ở hầu hết các đô thị lớn tại Việt Nam. Và không chỉ có đỗ xe ban ngày mà chỗ gửi xe qua đêm cũng làm đau đầu nhiều chủ phương tiện.
Với người muốn mở cửa hàng dịch vụ hay thương mại thì trung tâm thành phố hay những khu dân cư đông đúc bao giờ cũng là lựa chọn đầu tiên, vì chắc chắn những khu vực đó sẽ mang lại doanh thu cao. Tuy nhiên, nếu không có chỗ đỗ xe máy, ô tô thì dù có phương án kinh doanh tốt họ cũng sẽ phải từ bỏ ý định. Đối với các chủ phương tiện, nhất là xe ô tô, nếu có công việc phải vào những khu vực đông đúc, đường hẹp, vỉa hè chật chội, kiếm được chỗ đỗ xe là cả một vấn đề. Với người dân sinh sống trong những khu dân cư đông đúc, chật chội, nhất là khu vực "36 phố phường", để có chỗ dựng được chiếc xe máy họ phải tính toán, xếp đặt đồ đạc trong nhà. Cũng từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã có nhiều văn bản quy định về các bãi trông giữ xe, song phần lớn các bãi xe này chiếm dụng lòng đường hoặc vỉa hè và đẩy người đi bộ vào tình thế phải đi xuống lòng đường. Tuy nhiên, các giải pháp tình thế này cũng không thể giải quyết rốt ráo tình trạng khan hiếm chỗ đỗ xe, trong khi số lượng phương tiện đăng ký mới vẫn tăng hằng ngày. Đặc biệt là vào những ngày lễ, Tết, người dân đổ về khu vực trung tâm vui chơi, mua sắm thì bãi gửi xe tự phát mọc lên, thu giá vô tội vạ...
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, cho dù trong vài năm tới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm một số tuyến đường sắt trên cao, thậm chí có cả tàu điện ngầm đi chăng nữa thì các phương tiện giao thông công cộng này, cùng với xe buýt, cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân. Theo tính toán của các chuyên gia, trong trung và dài hạn các phương tiện giao thông cá nhân vẫn được nhiều người Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì tiện lợi, do vậy điểm đỗ ô tô, xe máy vẫn là vấn đề bức bối cho các đô thị.
Các thành phố lớn trên thế giới, hay ngay trong khu vực như Băng Cốc của Thái Lan, Jakarta của Indonesia cũng đều chọn giải pháp xây nhà giữ xe cao tầng. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, các thành phố này đều hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách. Có dự án triển khai theo hình thức công tư kết hợp, thành phố góp đất, doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng. Vì thế mà mặc dù có tới hàng triệu ô tô nhưng Băng Cốc vẫn không diễn ra tình trạng đỗ xe lộn xộn, nhờ đó đường phố quang đãng, văn minh. Ở Việt Nam, một số thành phố lớn cũng từng có nhiều dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai, lý do là kinh phí đầu tư quá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, trong khi không có chính sách ưu đãi khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Theo thống kê, tính đến tháng 6-2014, Hà Nội có gần 500.000 ô tô các loại trong đó khoảng 100.000 xe phải gửi qua đêm tại các cơ quan, trường học, xí nghiệp… và tại các bãi trông giữ xe lậu. Nếu tính trung bình tiền gửi là 30.000 - 50.000 đồng/đêm thì mỗi năm tổng số tiền gửi 100.000 xe này lên tới hàng nghìn tỷ đồng và tất nhiên thành phố không hề thu được một đồng thuế nào.
Từ nhiều năm nay, ngành GTVT đã triển khai xây dựng nhiều tuyến quốc lộ, đường cao tốc theo phương án BOT, BTO, theo đó doanh nghiệp tham gia bỏ vốn đầu tư xây dựng đường giao thông, đổi lại họ được quyền thu phí trong nhiều năm. Từ thực tế này có thể thấy, trong lĩnh vực xây dựng bãi đỗ xe nếu Nhà nước có chính sách ưu đãi phù hợp chắc chắn các doanh nghiệp cũng sẽ bỏ vốn đầu tư xây nhà để xe cao tầng hay bãi đỗ xe ngầm, thay vì xây nhà cho thuê làm văn phòng trong bối cảnh kinh tế vẫn trầm lắng hiện nay. Và điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, mà còn giúp thành phố vừa có thêm khoản thu ngân sách không nhỏ và đáp ứng được nhu cầu của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.