Theo dõi Báo Hànộimới trên

Logistics tiêu chuẩn cao - ''chìa khóa'' cạnh tranh của thương mại điện tử

Việt Nga| 18/09/2021 07:37

(HNM) - Phát triển dịch vụ logistic (hoạt động nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi...) phục vụ thương mại điện tử đang được các doanh nghiệp bưu chính trong nước đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. Đây cũng được coi là “chìa khóa” cho bài toán về cạnh tranh, đáp ứng sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhất là trong bối cảnh tác động từ dịch Covid-19.

Việc đẩy mạnh đầu tư kho, bãi đã giúp các doanh nghiệp bưu chính nâng cao chất lượng phục vụ.

Với thế mạnh về mạng lưới rộng khắp, hai doanh nghiệp bưu chính là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) với  trên 13.000 điểm phục vụ, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) với trên 8.200 điểm phục vụ có thể cung cấp, phân phối dịch vụ phủ tới tận cấp xã, phường trong cả nước. Ngoài sở hữu các phương tiện vận chuyển đường bộ, doanh nghiệp bưu chính đã triển khai vận chuyển hàng hóa qua đường sắt, đường biển. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường sắt Bắc - Nam chỉ 40 giờ, tiết kiệm 20% chi phí so với vận chuyển đường bộ. Đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020, Vietnam Post đã cùng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hóa (chapter) từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cao. Từ năm 2020, Vietnam Post đã xây dựng các hệ thống kho bãi có quy mô lớn, đa chức năng. Tại các thành phố lớn, Vietnam Post cũng đã xây dựng các hệ thống kho khác như trung tâm phân phối hàng hóa, kho thương mại điện tử; đến hết năm 2022, dự kiến các trung tâm, kho tại các vị trí trọng điểm lên tới 120.000m2.

Còn Giám đốc Chiến lược Viettel Post Cao Cẩm Linh thông tin, doanh nghiệp đang sở hữu hệ thống các kho, trung tâm chia chọn tại các thành phố lớn. Từ đầu năm 2021, doanh nghiệp đã tiếp tục mở rộng và khai trương Trung tâm Logistics miền Nam với hệ thống băng chuyền chia chọn có công suất lên tới 42.000 bưu phẩm/giờ, giúp giảm thời gian toàn trình kết nối bưu phẩm đến 6 giờ, tỷ lệ sai sót trong chia chọn gần như bằng không...

Nhờ các thế mạnh trên, nên trong đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, các doanh nghiệp bưu chính đã phát huy được lợi thế lớn. Tính từ tháng 4-2021 đến nay, Vietnam Post đã kết nối, vận chuyển, tiêu thụ gần 50.000 tấn nông sản các loại, góp phần hỗ trợ hiệu quả việc tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa. Vietnam Post đi đầu triển khai các giải pháp xuất khẩu nông sản qua đường hàng không, đường biển… Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Viettel Post cung ứng, vận chuyển hơn 20.700 tấn hàng hóa thiết yếu trên cả nước.

Cùng với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý kho bãi, kho thương mại điện tử, tự động hóa để cung cấp giải pháp phù hợp cho khách hàng cũng được coi trọng. Ông Chu Quang Hào cho biết, Vietnam Post đặt kế hoạch năm 2025 sở hữu hệ thống kho ngoại quan đạt gần 10ha, kho thương mại điện tử tại các vùng kinh tế lớn đạt hơn 15ha... Còn Viettel Post cũng tiếp tục mở rộng quy mô trục kho chính, kho vệ tinh, kho đơn vị tại các thành phố lớn, các vùng, địa phương.

Theo Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 được Chính phủ ban hành năm 2017 đã ra mục tiêu: Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP. Đây là một cơ hội không hề nhỏ cho các doanh nghiệp bưu chính lớn tham gia cung cấp dịch vụ để phục vụ khách hàng trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Logistics tiêu chuẩn cao - ''chìa khóa'' cạnh tranh của thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.