Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộc Huyền và khát khao duy trì nghệ thuật tuồng

Quốc Ngọc| 07/03/2010 06:24

(HNM) - Lộc Huyền được công chúng và giới sân khấu biết đến với tư cách là một gương mặt diễn viên trẻ triển vọng của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Năm 2003, Lộc Huyền đã vinh dự bước lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đón nhận giải nhất tài năng trẻ sân khấu tuồng toàn quốc trong niềm vui, sự thán phục và ngưỡng mộ của khán giả, bạn bè và đồng nghiệp.

Tiêu chí chấm thi lần này rất nghiêm khắc, thí sinh đạt điểm từ 9-10 mới được đưa vào khung xét giải. Đời diễn viên có nhiều cái khoảnh khắc xuất thần, nhưng cái khoảnh khắc đứng trên bục số 1 của giải thưởng nghề nghiệp thì không bao giờ quên được. Câu chuyện về duyên nghiệp của Lộc Huyền lại được bắt đầu bằng một sự tình cờ.

Nghệ sĩ Lộc Huyền (vai Ăngtigôn) trong vở Ăngtigôn Việt Nam.


Sinh ra và lớn lên ở cái nôi dân ca Đan Phượng - Hà Nội, bố của Huyền rất đam mê nghệ thuật và ông có giọng hát chèo rất hay, những muốn cho con mình sau này được theo con đường nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, Huyền đã là cây văn nghệ của trường. Lên cấp 3, Huyền đoạt giải ba “Giọng hát hay học sinh, sinh viên tỉnh Hà Tây”. Thấy Huyền hát hay lại có duyên, các chú ở Huyện đội đã mời Huyền tham gia đội văn nghệ đi thi hội diễn của tỉnh. Với bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, Huyền đã đoạt giải A năm 1996. Năm 1997, Huyền lại đoạt giải B tỉnh Hà Tây với bài hát “Cô gái Pacô”… Tình cờ một lần chú Văn Thọ, diễn viên Nhà hát Tuồng Trung ương, về diễn cho Huyện đội Đan Phượng, được nghe Huyền hát, thấy chất giọng của Huyền có khả năng phát triển, lúc chia tay, chú bảo: “Khi nào Nhà hát Tuồng có đợt tuyển diễn viên chú sẽ báo”. Đó là ánh chớp hy vọng đầu tiên trong tâm hồn cháy bỏng nghệ thuật của Huyền. Rồi Huyền bước vào cuộc thi tuyển bằng câu hát: “Đường sinh tử như chim bay trước mặt. Nẻo luân hồi như thoi trở trên tay”.

Suốt 3 năm trên ghế giảng đường Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Lộc Huyền đã được thử sức qua các loại vai diễn: Đào lẳng - vai Đát Kỷ (trong vở Đát kỷ đổi hồn), vai Hàn Tố Mai (trong vở Nữ tướng Đào Tam Xuân); Đào Thương - vai Xuân Đào (trong vở Xuân Đào cắt thịt), vai Mai Hương (trong vở Triệu Đình Long cứu chúa). Đào Võ - vai Hồ Nguyệt Cô (trong vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo)…

Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và danh hiệu học sinh xuất sắc, Lộc Huyền được Nhà hát tin tưởng giao luôn cho vai Êmilia (vợ Iago trong vở Ôtelo). Tuy còn non nớt về kỹ thuật nhưng Huyền có niềm tin ở vai diễn làm toát lên tính cách trung thực, nhân hậu, hiền lành của Êmilia.

Tập trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” để đi thi, Lộc Huyền đã biết lấy những điểm mạnh của vai mẫu của NSƯT Minh Gái, đó là tính quyết liệt, giằng xé hoang dại của Hồ Nguyệt Cô, trong khoảnh khắc biến từ kiếp người sang kiếp cáo và kỹ thuật múa bộ mạch lạc, khúc chiết của cô Yến - giáo viên chủ nhiệm. Song điều quan trọng hơn là phải diễn tả được ý nghĩa sâu sắc nhất của đoạn trích này mà chưa có mấy ai khai thác, ấy là kẻ xấu dẫu ngụy trang khéo đến đâu cũng có ngày bị lộ mặt. Cùng với một chút may mắn trong buổi thi, Huyền vào vai thật dung dị, càng diễn càng xuất thần như người nhập đồng. Lúc diễn xong chính Huyền không hiểu sao mình lại làm được như vậy. Và Huyền đã giành được giải nhất, ước mơ mà người diễn viên trẻ nào cũng kỳ vọng.

Với đức tính khiêm tốn, ham học hỏi và lòng đam mê nghệ thuật truyền thống đến cháy bỏng, Lộc Huyền luôn được nhận vai trong các vở diễn truyền thống hay hiện đại của Nhà hát. Đặc biệt là vai Thị Nữ (đạo diễn người Pháp yêu cầu không vẽ mặt nạ và hát tuồng) trong vở “Vòng cát”; và vai Ăngtigôn trong vở diễn “Ăngtigôn Việt Nam”, đây là các vở diễn nằm trong chương trình hợp tác, thử nghiệm giữa kịch mặt nạ của Pháp và tuồng Việt Nam. Lộc Huyền đã tạo được nét duyên dáng mộc mạc đáng yêu của mình bên cạnh các diễn viên mặt nạ của Pháp. Với hai vai diễn này, Huyền đã “đem chuông đi đấu nước người” nhiều lần ở bên Pháp.

Trước thực trạng các nhà biên kịch tuồng chỉ còn vài người và lớp trẻ không muốn dấn thân bởi vừa khó lại không... ra tiền. Lộc Huyền đã đăng ký và theo học lớp biên kịch tuồng. Cô mong muốn sẽ trở thành nhà biên kịch, cô cho hay: “Lớp trẻ không làm thì ai sẽ duy trì bộ môn sân khấu dân tộc này cho các thế hệ mai sau?”. Trong những ngày bận rộn đón Xuân Canh Dần, Lộc Huyền lại vui mừng đón nhận bằng khen nhà biên kịch trẻ của sân khấu tuồng của Cục Nghệ thuật biểu diễn tại buổi lễ tổng kết khóa đào tạo. Hy vọng trong tương lai, những người yêu sân khấu tuồng sẽ được biết đến một Lộc Huyền với tư cách tác giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộc Huyền và khát khao duy trì nghệ thuật tuồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.