(HNM) - Hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi lực lượng biểu tình chống chính phủ phát động chiến dịch
Cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban với nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã lên tới mức báo động khi chiến dịch biểu tình đường phố - dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày - đã nhuốm màu bạo lực. Hàng loạt vụ nổ liên tiếp tại thủ đô Bangkok khiến một người chết, hàng chục người biểu tình bị thương. Cuộc khủng hoảng chưa lối thoát này đang có nguy cơ đẩy đất nước Chùa Vàng vào vòng xoáy hỗn loạn mới.
Biểu tình đường phố là thách thức lớn với Chính phủ của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck. |
Ghi nhận của báo chí Thái Lan 24 giờ qua cho thấy, mặc dù quy mô các cuộc biểu tình đường phố ở thủ đô Bangkok đã giảm khi nhiều người đã trở về nhà làm việc, thế nhưng tình hình vẫn hết sức phức tạp. Trong một phát biểu mới nhất ngày 20-1, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattantabutr tuyên bố: Nước này đang cân nhắc khả năng ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp sau một tuần bạo lực gây đổ máu ở thủ đô Bangkok. Lệnh tình trạng khẩn cấp khi được áp dụng sẽ trao cho các cơ quan an ninh nhiều quyền hạn như: áp đặt các lệnh giới nghiêm, bắt giữ các đối tượng tình nghi mà không cần có cáo trạng, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập trên 5 người vì mục đích chính trị và tuyên bố lệnh cấm đối với nhiều khu vực trên cả nước.
Giữa lúc đang phải "gồng mình" đối phó với các cuộc biểu tình đường phố của phe đối lập nhằm làm tê liệt hoạt động của các cơ quan công quyền, một đòn mới tiếp tục đánh vào uy tín của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck khi Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia cho biết sẽ điều tra cáo buộc việc bà lơ là nhiệm vụ trong chương trình trợ giá đầy tranh cãi cho nông dân trồng lúa. Không đề cập đến hình phạt mà nữ Thủ tướng Yingluck sẽ phải gánh chịu nếu bị kết tội, nhưng việc ủy ban này đưa ra tuyên bố nêu trên vào thời điểm nhạy cảm khi cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 đang đến gần sẽ không có lợi cho đảng Vì nước Thái (Puea Thai) cầm quyền. Không chỉ nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck, hàng chục nghị sĩ trong đảng Puea Thai cầm quyền đang phải đối mặt với các cáo buộc mới nhất của Ủy ban này vì liên quan đến nỗ lực sửa đổi điều khoản trong Hiến pháp để áp dụng quy chế tất cả nghị sĩ Thượng viện đều do dân bầu. Nếu bị kết tội, họ sẽ bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm và việc này làm suy yếu khả năng bà Yingluck có thể thành lập một chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 2-2 tới.
Hơn ba tháng đã qua đi kể từ khi thủ lĩnh Suthep Thaugsuban phát động các cuộc biểu tình đường phố nhằm gây sức ép buộc nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck phải từ chức - trong đó đỉnh điểm là chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" diễn ra từ chiều 12-1 - chính trường Thái Lan vẫn chìm trong bất ổn và diễn biến phức tạp. Đã có nhiều dự đoán về việc quân đội Thái Lan sẽ can thiệp vào tình hình chính trị tại đất nước này, tuy nhiên đây vẫn là một câu hỏi để ngỏ, mặc dù những đồn đoán về hành động quân sự không hẳn không có cơ sở. Từ năm 1932 đến nay, quân đội Thái Lan từng thực hiện 18 cuộc đảo chính. Trong đó mới nhất là vụ năm 2006 lật đổ ông Thaksin Shinawatra - anh của bà Yingluck, đồng thời đánh dấu một trang sử mới đầy bất ổn của đất nước hơn 67 triệu dân này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, các lãnh đạo "chóp bu" trong quân đội vẫn khẳng định sẽ đứng trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị và trong một động thái mới nhất, Tư lệnh quân đội Thái Lan Thanasak Patimapakorn thúc giục cả hai bên gồm Chính phủ và lực lượng đối lập gạt bỏ những bất đồng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc.
Với quyết tâm lật đổ Chính phủ của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck bằng mọi giá, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đang tìm cách không cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra đúng như dự kiến vào ngày 2-2 tới. Thế nên, những bế tắc trên chính trường Thái Lan sẽ đi đến đâu là điều khó đoán định. Song nền kinh tế nước này đang phải trả giá đắt do những bất ổn thời gian qua. Nhiều tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế đã phải hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước Chùa Vàng trong năm 2014 từ 5,2% xuống còn 4,3%. Trong đó có ba lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất là du lịch, tiêu thụ nội địa và khu vực dịch vụ. Nếu tình hình chính trường không được cải thiện, Thái Lan sẽ dần mất đi hình ảnh một đất nước thân thiện trong lòng du khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.