Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay tìm mô hình

Minh Ngọc| 19/07/2011 05:04

Chưa có hồi kết


"Dán nhãn" cho ấn?

Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định) năm 2011. Ảnh: Khánh Nguyên

Vương triều Trần có vị thế đặc biệt trong lịch sử dân tộc, trong tâm thức của người dân Việt Nam nói chung, người dân Nam Định nói riêng. Song việc những chiếc ấn đang được lưu giữ tại đền Trần (Nam Định) và nghi lễ Khai ấn vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng hằng năm có thực sự xuất phát từ thời Trần (1225-1400) hay không lại là chuyện khác. Trong tham luận "Về cái gọi là lễ Khai ấn đền Trần", ông Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) khẳng định: Trong tất cả tài liệu lịch sử, chưa có bất cứ tài liệu nào nói đến ấn đền, miếu. Những chiếc ấn của người xưa mà ngày nay chúng ta được nhìn thấy có niên đại khoảng 100 năm trở lại đây (tức là thời Nguyễn mới có ấn), vì thế những chiếc ấn ở đền Trần tuy rất có giá trị nhưng không thể có từ thời Trần. Hơn thế, lịch sử thời Trần cũng không có dòng nào ghi lại các vua Trần thường cuối năm cất ấn, đầu năm khai ấn với mong muốn một năm làm việc hanh thông. Chuyện này chỉ có từ thời Nguyễn.

Trong phần cơ sở khoa học để xây dựng Đề án "Tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012" do Viện VHNT Việt Nam thực hiện cũng nói rõ: "Quả ấn được sử dụng trong lễ khai ấn đầu năm hiện nay ở đền Trần là ấn "Trần miếu tự điển", có nghĩa là điển tích thờ tự tại miếu nhà Trần. Căn cứ vào đặc điểm, hình dáng, kiểu chữ, phong cách thì có thể đoán định, chiếc ấn này được chế tạo giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX"…

Phân tích của các nhà khoa học cho thấy, nghi lễ Khai ấn đền Trần không hoàn toàn mang ý nghĩa bắt đầu một năm làm việc hanh thông, ai xin được ấn thì năm đó thăng quan tiến chức. Ý nghĩa sâu xa hơn của lễ Khai ấn, đó là sự tưởng nhớ các vị vua Trần, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì vậy, nhận thức sai lệch của một bộ phận không nhỏ người dân về lễ Khai ấn đền Trần hiện nay đã vô tình gán cho lễ hội những ý nghĩa mà bản thân nó không có.

Chưa có hồi kết

Chen lấn, giẫm đạp là cảnh thường thấy ở Lễ Khai ấn đền Trần nhiều năm nay. Ảnh: Thuận Thắng

Nhằm khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức lễ hội đền Trần những năm vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã giao cho Viện VHNT Việt Nam xây dựng đề án "Tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012". Sau nhiều lần lấy ý kiến các nhà khoa học, điều tra xã hội học và lắng nghe dư luận, Viện VHNT Việt Nam đưa ra hai phương án: Một là, không tổ chức phát ấn, chỉ khai ấn. Hai là khai ấn như thường lệ nhưng phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày trên cơ sở thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ, an ninh trật tự, môi trường. Tại hội thảo này, hầu hết các nhà quản lý, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ủng hộ phương án thứ hai. Còn người dân địa phương và dòng họ Trần lại đưa ra những phương án khác.

Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cũng đưa ra những phương án cụ thể cho lễ Khai ấn, phát ấn. Ông Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) đề nghị trả lại lễ đóng ấn cho nhà đền, cơ quan các cấp không tham gia vào việc này nữa; đồng thời coi việc phát ấn là một điểm nhấn của lễ hội chứ không nên để nó là hoạt động bao trùm cả lễ hội đền Trần như hiện nay. Tương tự, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trần Chiến Thắng cho rằng: Lễ Khai ấn vốn xuất phát từ dân gian nên hãy trả lại cho dân gian, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý về mặt hành chính, luật pháp. Song song với đó, tỉnh Nam Định phải thay đổi chiến dịch truyền thông để người dân nhận thức đúng đắn về lễ hội. Đây cũng là quan điểm của ông Trương Quốc Bình (Viện VHNT Việt Nam).

Ngược lại những quan điểm trên, ông Trần Quốc Văn, đại diện người cao tuổi thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng - nơi có lễ hội đền Trần nói: "Lễ Khai ấn, phát ấn đền Trần vào giờ Tý rằm tháng Giêng theo tục lệ cổ và nghi lễ truyền thống nên không thể thay đổi". Để khắc phục tình trạng lộn xộn đến mức hỗn loạn đã từng xảy ra mấy năm qua, ông Văn đề xuất: tổ chức lễ dâng hương vào sáng ngày 14 tháng Giêng, buổi tối chỉ tổ chức nghi lễ rước ấn và khai ấn. Cũng phản đối việc lùi thời gian phát ấn, ông Trần Mạnh Quảng, Chủ tịch hội đồng Trần tộc Việt Nam, đưa ra giải pháp: mở rộng không gian cho lễ hội bằng cách thu hồi hơn 10ha đất do Công ty Giống cây trồng đang sử dụng để xây dựng nhà giản vụ và một số công trình phụ trợ…

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Viện VHNT Việt Nam tiếp thu để hoàn thiện đề án "Tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012" và trình Bộ VH,TT&DL xem xét vào cuối tháng 7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay tìm mô hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.