(HNM) - Ba Vì là huyện có tiềm năng và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi bò sữa bởi đất đai rộng, nguồn thức ăn xanh sẵn, lại có nhà máy chế biến sữa lớn trên địa bàn.
Trong khi các hộ dân chăn nuôi lợn, gà đang gặp khó khăn, chăn nuôi bò sữa vẫn cho thu nhập ổn định. Để nâng cao chất lượng sữa, ngoài yếu tố con giống, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cũng đóng vai trò quan trọng nhưng thị trường TĂCN vẫn đang bị thả nổi khiến các hộ nuôi bò sữa loay hoay với việc lựa chọn thức ăn tinh.
Chăm sóc bò sữa tại Ba Vì. Ảnh: Thái Hiền |
Loạn nhà cung cấp TĂCN
Tản Lĩnh là xã nuôi nhiều bò sữa của huyện Ba Vì, nhiều hộ dân làm giàu bằng nghề này. Ông Phùng Quang Lương, cán bộ khuyến nông xã cho biết, tổng đàn bò của Tản Lĩnh là 2.175 con. Thời gian gần đây, người dân trong xã băn khoăn trước khuyến cáo của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) "nên lấy cám ở những công ty có uy tín để bảo đảm chất lượng" nhưng giá cám của các công ty này thường cao. Theo ông Lương, hiện trên địa bàn xã có tới 9 công ty cung cấp thức ăn cho bò như Nam Việt, Phú Gia, Lái Thiêu, Voi Vàng, Thuận Phát, CP, Thái Dương, ABS… khiến người dân không biết tin và lựa chọn sản phẩm nào. Người dân loay hoay với việc lựa chọn nhà cung cấp thức ăn, còn chính quyền địa phương không thể kiểm soát chất lượng và thả nổi việc bán hàng. Không những thế, các hãng cung cấp thức ăn còn cạnh tranh không lành mạnh, đưa một số loại thức ăn hàm lượng dinh dưỡng thấp, chào hàng giá rẻ khiến người dân ham rẻ mua cám không bảo đảm, làm giảm chất lượng sữa nên bị công ty từ chối thu mua sản phẩm.
Trưởng thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh Phạm Đình Thông (hộ đang nuôi 3 con bò sữa, trong đó có 2 con đang cho khai thác) cho biết: Thời gian gần đây trên địa bàn thôn "loạn" về các thương hiệu cũng như mẫu mã sản phẩm thức ăn cho bò khiến người nuôi chẳng biết thế nào mà lựa chọn. Mặc dù các ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại cám đã được Công ty IDP xét nghiệm về chỉ tiêu chất lượng, nhưng tâm lý người nuôi ham rẻ nên nhiều hộ vẫn lựa chọn cám rẻ. Hộ ông Nguyễn Ngọc Bảo nuôi 4 con bò sữa cho biết, hiện gia đình đang mua cám của Công ty Phú Gia với giá 333 nghìn đồng/bao/, trong khi đó nếu sử dụng cám Nam Việt mã số 888 do Công ty IDP khuyến cáo thì giá 360 nghìn đồng/bao. Gia đình muốn để các hộ dân sử dụng cám Nam Việt trước, nếu chất lượng sữa và bò tăng trọng nhanh hơn so với ăn cám Phú Gia thì sẽ lựa chọn.
Quản lý chất lượng đầu vào
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, năm 2008 số lượng đàn bò sữa của huyện có khoảng 1.000 con, chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân chưa có kiến thức nhiều về chăn nuôi, đặc biệt là vụ sữa nhiễm Melamine đã làm nhiều gia đình trắng tay. Sau 5 năm bà con có thêm kinh nghiệm trong nuôi bò sữa, đầu tư trang trại, mở rộng quy mô, nên số lượng đàn bò của huyện hiện nay đã tăng lên 6.400-6.500 con, gấp 5 lần so với năm 2008. Tuy nhiên, hơn một năm nay trên địa bàn huyện có việc cạnh tranh không lành mạnh giữa một số doanh nghiệp (DN) cung cấp thức ăn cho bò. Tình trạng DN tranh bán, chào hàng với giá rẻ khiến người dân không biết lựa chọn nhà cung cấp thức ăn chuẩn. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của huyện đã cùng Công ty IDP thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu thức ăn của một số DN đưa đi xét nghiệm cho thấy, chất lượng chỉ bằng 30% so với đăng ký nhãn mác trên bao bì. Vì vậy, huyện đã đề nghị Công ty IDP khuyến cáo người dân lựa chọn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao đưa vào chăn nuôi để bảo đảm chất lượng sữa tốt. Huyện Ba Vì sẽ tăng cường kiểm soát và quản lý các yếu tố đầu vào giúp người dân phát triển chăn nuôi ổn định và cung cấp sữa chất lượng đạt chuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.