Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loãng xương - Kẻ thù của người cao tuổi

Gia Bảo| 05/04/2010 07:30

(HNM) - Theo tổng kết của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại Tp.HCM, loãng xương là nguyên nhân của hơn 90% trường hợp người cao tuổi bị gãy xương sau những cú ngã nhẹ.

Hiện tại Việt Nam, ước tính có 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp gãy xương do loãng xương. Phần lớn trong đó là người cao tuổi, không hề nhận ra mình đang bị đe dọa cho đến khi vô tình đi khám, hoặc gặp những chấn thương nặng như gãy xương dù chỉ là những va chạm nhẹ.

Kẻ cắp thầm lặng có tên “loãng xương”

Theo PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương Tp.HCM, loãng xương “là một căn bệnh diễn biến từ từ và không có triệu chứng rõ rệt, khiến người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh. Người ta mệnh danh căn bệnh này là kẻ cắp thầm lặng, từng chút một, đánh cắp đi các khoáng chất trong ngân hàng xương của cơ thể”. Không chỉ dừng lại ở các khoáng chất, bệnh loãng xương còn đang lấy đi cuộc sống bình thường, vui vẻ của nhiều người.

Đã 2 năm nay, vợ chồng chị Khuê không đi chơi đâu xa trong các dịp nghỉ lễ dài ngày. Tháng 2/2008, mẹ của chị được bác sĩ chẩn đoán là bị loãng xương, cần hạn chế đi lại và vận động mạnh. “Con cái thì còn đi đây đó với lớp, với bạn, còn vợ chồng mình thì không dám đi xa vì không thể để mẹ ở nhà được. Nỗi lo cho sức khỏe của mẹ cứ đè nặng trong lòng”, chị cho biết.

Bác Minh, một giáo viên về hưu, thì cho biết, từ khi được chẩn đoán bị loãng xương, bác gần như nghỉ hẳn các buổi đánh cầu lông buổi sáng vì bác sĩ dặn xương rất dễ gãy chỉ nên vận động nhẹ nhàng và hết sức cẩn thận.

Những trường hợp như chị Khuê, bác Minh - nạn nhân của căn bệnh loãng xương - ngày càng nhiều tại Việt Nam hiện nay. Bệnh loãng xương đang ảnh hưởng lớn đến không chỉ cho bản thân người bệnh, mà còn là cuộc sống của những người thân trong gia đình.

Loãng xương - vì sao nguy hiểm?

Ngay tại những nước phát triển và có nền y học tiên tiến, các con số thống kê cũng cho thấy hậu quả nặng nề của gãy xương do loãng xương. Gần 21% người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong 6 tháng đầu vì các biến chứng trên, khoảng 50% phải phụ thuộc vào người khác trong phần đời còn lại, và chỉ có chừng 30% trở lại cuộc sống bình thường với nguy cơ gãy xương luôn thường trực.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết loãng xương là một căn bệnh rất nguy hiểm vì nếu người bệnh đã bị loãng xương nặng sẵn có (do thiếu khoáng chất và protein), thì khi gãy xương, xương sẽ rất khó và rất lâu liền trở lại. Trong nhiều trường hợp, người bệnh phải nằm một chỗ, thậm chí là điều trị dài ngày trong bệnh viện, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của người nhà. Nguy hiểm hơn, khi phải nằm lâu để điều trị sẽ kéo theo nhiều biến chứng bất lợi như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các nơi tì, đè… có thể gây tàn phế suốt đời và giảm tuổi thọ của người bệnh.

Tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng trong điều trị loãng xương

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị loãng xương hiện nay chính là sự không tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân. Những khó khăn khi phải sử dụng tổng hợp các loại thuốc can-xi, vitamin D, thuốc tạo xương, thuốc ức chế hủy xương, thuốc bổ,… khiến bệnh nhân vô cùng mệt mỏi và hay quên.

“Sau khi đi khám, ngoài rất nhiều loại thuốc, con tôi còn mua sữa bổ sung can-xi và bắt tôi uống nữa. Biết là uống sữa cũng tốt nhưng đến giờ tôi vẫn chưa dùng hết vì không quen. Còn thuốc thì nhiều quá, phải uống lâu dài nên tôi cứ quên suốt thôi”, bác Minh thở dài. Còn chị Khuê cho biết đã mua thuốc điều trị loãng xương về cho mẹ. Tuy nhiên, mẹ chị bị bệnh đau dạ dày nên rất khó uống thuốc, nhiều lúc cũng đành chịu.

Nhiều bệnh nhân loãng xương và người nhà có lẽ không biết rằng, việc tuân thủ điều trị có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả bảo vệ chống gãy xương. Các nghiên cứu đã chứng minh, chỉ cần quên uống 1 liều/tuần là hiệu quả bảo vệ đã giảm đến 64%. Thậm chí, chỉ quên nửa liều thuốc, tác dụng bảo vệ của thuốc là gần như bằng không. Như vậy, yếu tố quan trọng nhất trong điều trị loãng xương chính là sự tuân thủ điều trị.

Mới đây, Hội Loãng xương Tp.HCM đã tổ chức buổi họp báo nhằm cập nhật hướng tiếp cận mới trong điều trị loãng xương. Theo đó, ngoài các phác đồ điều trị loãng xương phổ biến, hiện nay, các bệnh viện chuyên khoa cũng đã bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế hủy xương Zoledronic acid. Với hình thức tiêm truyền tĩnh mạch thuốc ức chế hủy xương Zoledronic acid 5mg trong 15 phút một lần duy nhất mỗi năm cho hiệu quả bảo vệ xương suốt năm, phương pháp này đang được xem là giải pháp mới giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loãng xương - Kẻ thù của người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.