Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại dần cơ chế xin - cho

Chí Kiên| 10/04/2013 06:17

(HNM) - Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức đối với tính hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi trên cả nước.

Cả nước hiện có 110 hệ thống thủy lợi lớn (diện tích phục vụ trên 2.000ha/hệ thống), hơn 10.000 trạm bơm lớn, 126.000km kênh mương các loại và hàng vạn công trình trên kênh. Tuy nhiên, hiệu suất khai thác, sử dụng bình quân của các hệ thống thủy lợi đều thấp hơn so với công suất thiết kế. Nhiều hệ thống kênh mương, nhất là kênh mương nội đồng chưa hoàn thiện, hiện mới chỉ có khoảng 33% kênh mương được kiên cố hóa. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện có 16.238 tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống công trình này, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau. Trong đó, mô hình phổ biến hiện nay là các HTX dịch vụ tổng hợp kiêm dịch vụ thủy lợi. Đối với các hồ chứa, chủ yếu được giao cho một số tổ chức quản lý, được gọi là chủ đập, còn lại giao cho các doanh nghiệp quản lý công trình thủy lợi là 980 hồ các loại. Về cấp quản lý, hiện chỉ có một tổ chức trực thuộc Bộ NN&PTNT, còn lại là các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Nhìn chung, các hồ chứa giao cho các doanh nghiệp khai thác CTTL quản lý có chất lượng công trình tốt hơn, mức bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão cao hơn các hồ chứa do chủ đập quản lý.

Thi công công trình Trạm bơm Hồng Vân (Thường Tín). Ảnh: Đỗ Chí


Tại TP Hà Nội, hiện có 5 công ty thủy lợi quản lý 543 trạm bơm, 2.554 máy bơm, 1.872 tuyến kênh với chiều dài hơn 3.400km, đảm nhận tưới tiêu cho khoảng 280.000ha. Theo Giám đốc Ban quản lý dịch vụ thủy lợi Hà Nội (Sở NN&PTNT) Đào Quang Khải, từ năm 2011, thành phố đã chuyển sang quản lý theo hình thức đặt hàng. Tuy nhiên, hiện mô hình tổ chức quản lý của nhiều công ty vẫn còn cồng kềnh, cần được tinh giản để nâng cao hiệu quả.

Thực tế cho thấy, nhiều CTTL đang xuống cấp nhanh do không được đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Đáng ngại nhất là tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ CTTL còn diễn ra phổ biến như xây dựng công trình, nhà ở trên CTTL, xả thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường... trong khi việc xử lý của chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết. Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, lo ngại nhất hiện nay đối với việc khai thác, sử dụng CTTL là nhiều mô hình tổ chức quản lý đang bộc lộ sự yếu kém, lúng túng. Đặc biệt đối với các hồ chứa, việc xây dựng phương án phòng chống úng, ngập vùng hạ du hồ chứa và kiểm định hồ chứa hầu như chưa được chủ đập thực hiện, nguyên nhân do thiếu kinh phí. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp tưới ngập như hiện nay, trong khi kênh mương nội đồng chưa hoàn chỉnh, đã gây lãng phí nguồn nước.

Cần thiết có sự tham gia của người dân

Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các hệ thống CTTL với mục tiêu đến năm 2020, nâng hiệu suất sử dụng đạt trên 80%; tăng 5% diện tích gieo trồng được tưới so với hiện nay; giảm 10% tiêu thụ năng lượng trên 1ha... Tại hội thảo mới đây về "Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi" do Tổng cục Thủy lợi tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, các ngành và địa phương cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hệ thống CTTL theo hướng tăng cường hình thức đặt hàng, đấu thầu, giảm cấp ngân sách trực tiếp cho các công ty thủy lợi. "Quản lý một nguồn nước vô cùng lớn nhưng chúng ta vẫn nghèo bởi đang sử dụng quá lãng phí nguồn tài nguyên này. Thực tế công tác thủy lợi ở nước ta vẫn hoạt động theo cơ chế xin - cho, không ít cán bộ có tâm lý chây ỳ bởi không làm việc vẫn nhận được kinh phí"- Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Trong chương trình xây dựng NTM đã quy định, xã đạt chuẩn NTM phải có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được sản xuất, dân sinh và tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 50%. Như vậy, kết hợp với xây dựng NTM, hệ thống thủy lợi có nhiều điều kiện để đổi mới và phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt trong tình hình hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tranh thủ xây dựng NTM để làm thủy lợi, vấn đề cốt lõi nhất là phải xuất phát từ ý nguyện của chính người dân. Theo đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, người dân tham gia quản lý, bàn bạc kế hoạch sử dụng nước thì khi ấy nếu có thiếu tiền thủy lợi phí của Nhà nước cấp thì chắc chắn vẫn thực hiện được. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy lợi phải đề cao tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý và kinh doanh; các địa phương cũng cần tổ chức rà soát, tổ chức lại hoạt động của các tổ, HTX thủy nông, bảo đảm nguyên tắc xuất phát từ nguyện vọng và thu hút được sự tham gia của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loại dần cơ chế xin - cho

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.