Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộ thông tin - nguy cơ của lừa đảo trực tuyến

Việt Nga| 25/06/2022 07:23

(HNM) - Thời gian gần đây, các đối tượng xấu liên tiếp gửi tin nhắn giả mạo tuyển dụng với lời chào hấp dẫn "việc nhẹ lương cao"; lập nhóm trên mạng xã hội để “dụ” người dân vay tiền với lãi suất thấp… Không ít trường hợp làm theo hướng dẫn, bị lộ thông tin cá nhân, rơi vào bẫy “tín dụng đen” online…

Người dân nên cẩn trọng với những tin nhắn giả mạo tuyển dụng để tránh bị lộ thông tin cá nhân, rơi vào bẫy “tín dụng đen” online.

Gần đây, các thuê bao sử dụng điện thoại iPhone liên tiếp nhận được tin nhắn qua iMessage (hệ thống tin nhắn miễn phí trên điện thoại của hãng Apple) giả mạo các nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp… có nội dung na ná nhau về tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, xử lý đơn đặt hàng, lương tháng 10-50 triệu đồng. Với người dùng có nhu cầu, đối tượng lừa đảo gửi đường link sản phẩm có giá trị từ vài trăm nghìn tới vài chục triệu đồng và yêu cầu cộng tác viên xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.

Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản. Đến khi thực hiện đơn hàng có giá trị cao (vài chục triệu đồng) thì không gửi lại tiền hàng, tiền hoa hồng và viện lý do lỗi của cộng tác viên, rồi chặn đầu mối liên hệ…

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đã tiếp nhận nhiều phản ánh từ người dùng di động qua đầu số 5656 về việc lừa đảo này. Cơ quan công an các địa phương cũng đã tiếp nhận thông tin người dân phản ánh, kêu cứu về việc bị lừa đảo tiền qua tin nhắn tuyển dụng giả mạo…

Cũng trong thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội nhận được tin nhắn kèm đường link cài ứng dụng (app) có nội dung "Không cần thế chấp, lãi suất không đồng", "Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp". Để được vay tiền, ngoài phải cung cấp thông tin cá nhân, các ứng dụng này yêu cầu người vay nợ phải cho phép truy cập danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện… Khi đến hạn thanh toán mà người dân không trả, đối tượng sẽ liên hệ, quấy rối, thậm chí đe dọa, xúc phạm những người có trong danh bạ (dù không liên quan đến khoản vay) hoặc dùng mạng xã hội đăng tải hình ảnh gây áp lực để người vay phải trả tiền…

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, điều phối các nhà mạng ngăn chặn, xử lý 15 website giả mạo công ty tài chính chính thống để lừa đảo trực tuyến. Đồng thời xác minh, cung cấp thông tin cho cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan chức năng hơn 40 sự vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cuối tháng 5-2022, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố hàng chục bị can trong đường dây xuyên quốc gia cho vay nặng lãi qua app, đòi nợ bằng nhiều hình thức khủng bố, trong đó có cả bằng ảnh “nóng”…

Cùng với các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn lừa đảo theo hình thức trực tuyến, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra khuyến cáo, cảnh báo để người dân không sa vào bẫy “tín dụng đen” online hay thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Trong đó, khuyến cáo rõ, nếu sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, ngoài phải tìm hiểu kỹ đơn vị cung cấp với thông tin cụ thể, thì người dân không để đối tượng truy cập tài khoản, danh bạ điện thoại cá nhân, không click vào link lạ để tránh trường hợp bị lộ thông tin cá nhân và danh bạ…

Trong trả lời kiến nghị của đại biểu Quốc hội ngày 8-6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm nói chung và cho vay “tín dụng đen”. Chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước tăng cường rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn vi phạm; yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các đường link lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi... Cùng với đó, Bộ áp dụng các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin trên mạng về nội dung “tín dụng đen”; hướng dẫn các sở thông tin và truyền thông phát hiện, xử lý sớm những vi phạm.

“Hoạt động "tín dụng đen" trên mạng được triển khai tinh vi, gắn với hoạt động đòi nợ thuê trong đời sống thực, vi phạm pháp luật nên cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh để răn đe”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ thông tin - nguy cơ của lừa đảo trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.