(HNM) - Năm học 2022-2023 vừa kết thúc, nhiều bậc phụ huynh lại có dịp “khoe” bằng khen, bảng điểm, hình ảnh lễ tổng kết năm học của con trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều người không hề hay biết, việc làm này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quyền trẻ em, mà còn vô tình làm lộ thông tin của con, em mình, khiến trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành “miếng mồi” cho kẻ xấu.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:
Phụ huynh cần trang bị kiến thức pháp luật về quyền trẻ em
Cô giáo Đinh Thị Minh Huệ, Trường Tiểu học Kim Đồng, phường Giảng Võ, quận Ba Đình:
Nêu cao cảnh giác khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội để bảo vệ trẻ em
Cô giáo Vũ Thu Hương, Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Quan trọng nhất là phòng ngừa, biến các quy định thành kiến thức, kỹ năng
Ngày nay, “căn bệnh” thành tích đã ngấm sâu vào một bộ phận phụ huynh học sinh. Thay vì quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của con, nhiều phụ huynh lại chỉ chú trọng vào thành tích học tập. Sự hãnh diện khiến nhiều phụ huynh có nhu cầu chia sẻ sự tự hào về con mình với cả thế giới. Điều này đi ngược với quan điểm của ngành Giáo dục. Cũng dễ hiểu với các bậc phụ huynh, vì con cái là tài sản lớn nhất, việc khoe con cái lên mạng xã hội cũng là cách để họ khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên, khi đăng tải những thông tin về con, em, người thân của mình lên mạng xã hội, người lớn cần được sự đồng ý của trẻ. Việc đăng tải thành tích, thông tin liên quan đến trẻ em cần sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, khiêm tốn để mang lại hiệu quả tích cực cho cả con, em mình và cộng đồng.
Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết để nhận diện, phòng tránh, xử lý và tìm kiếm sự giúp đỡ khi có dấu hiệu bị kẻ xấu lừa đảo, dọa nạt, ép buộc… Sử dụng mạng xã hội càng nhiều, thông tin về người dùng sẽ càng được trí tuệ nhân tạo “phác họa” một cách chính xác. Vì vậy, nguy cơ bị lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng luôn thường trực. Điều quan trọng là phải phòng ngừa các nguy cơ và phải biến các quy định pháp luật thành kiến thức, kỹ năng sống để tự bảo vệ chính mình và con trẻ trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, phường Hà Cầu, quận Hà Đông:
Cần giúp trẻ em khẳng định, phát huy tối đa năng lực bản thân
Cứ mỗi dịp tổng kết học kỳ hay năm học, trên các trang mạng xã hội lại nhan nhản hình ảnh, video… khoe thành tích học tập, các hoạt động mà con tham gia, thậm chí cả thói quen sinh hoạt, ăn uống, sở thích vui chơi của trẻ. Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng việc khoe thành tích, điểm số của con lên mạng xã hội vô tình tác động tiêu cực lên cả những cháu có thành tích học tập tốt và chưa tốt.
Hành động “khoe” con của người thân làm trẻ dễ hình thành tư duy ảo tưởng vào năng lực bản thân, tự cao tự đại, coi trọng “bệnh thành tích” và triệt tiêu nỗ lực phấn đấu trong học tập, cuộc sống. Còn với trẻ có thành tích học tập chưa tốt, các em sẽ trở nên tự ti, mặc cảm, thậm chí hình thành tâm lý kỳ thị với những bạn có kết quả học tập tốt hơn mình. Vì vậy, thay vì khoe con không đúng cách, các bậc phụ huynh cần giúp con mình khẳng định, phát huy tối đa năng lực bản thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.