Lo ngại trước số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ về khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Nhiều khó khăn tác động đến doanh nghiệp
Thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường trong sáng 29-5, nhiều đại biểu cùng nêu con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho biết, lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường 4 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với lượng rút lui khỏi thị trường, là yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế.
“Năm 2023, có 172.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. 4 tháng đầu năm 2024, có 86.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Một đất nước có cường thịnh không, cần nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp. Thực trạng trên cho chúng ta thấy thực tế hết sức đáng suy ngẫm”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) nêu.
Đặt ra câu hỏi vì sao, đại biểu Đoàn Bình Thuận nêu ra một vài nguyên nhân như tình hình thế giới có những bất ổn, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch Covid-19 và các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc là nguyên nhân chính dẫn đến các doanh nghiệp giải thể.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) trong phát biểu tranh luận nêu nguyên nhân xuất phát từ “tình trạng ngần ngại ra các quyết định trong thẩm quyền; tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, các ách tắc của người dân và của doanh nghiệp".
Quan tâm đến khó khăn về thị trường đầu ra của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) nêu, doanh nghiệp hiện nay thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ khi xảy ra dịch Covid-19, dù đến nay, tình trạng này đã, đang được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của doanh nghiệp.
“Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I-2024 thì yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước thấp, chiếm 55,1%; yếu tố về nhu cầu thị trường quốc tế thấp, chiếm 34,2%. Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu”, đại biểu Nguyễn Việt Hà nêu.
Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó
Trên cơ sở làm rõ nguyên nhân, các đại biểu kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có kiểm soát chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả theo lạm phát; tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất và trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển; có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Đại biểu cũng kiến nghị các giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp; sớm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng kiến nghị Chính phủ có các giải pháp như: Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động và nghiên cứu, xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ; chủ động, kịp thời trong thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.