Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo ngại về kiểm soát sản phẩm động vật

Dung Quỳnh| 23/12/2019 08:32

(HNM) - Từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân có xu hướng tăng cao, song vẫn còn đó những mối lo về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức chấp hành pháp luật của người kinh doanh chưa cao… đang gây khó khăn cho công tác kiểm dịch.

Theo ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín, trung bình mỗi ngày, chợ gia cầm Hà Vỹ ở xã Lê Lợi tiêu thụ 20.000-22.000 con gia cầm sống; cận Tết có thể lên tới 30.000 con/ngày. Hiện nay, có tình trạng tiểu thương xé lẻ gia cầm cho vào lồng rồi bán ở khu vực xung quanh chợ, phần nào gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ động vật.

Còn theo ông Phùng Văn Tảo - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Xuyên, do quy định tại Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh nên khi các cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ vận chuyển, kinh doanh lô hàng động vật hay sản phẩm động vật không bao gói/nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng khai báo nguồn gốc của tỉnh sở tại thì lực lượng thú y cũng không đủ cơ sở kiểm tra.

Tuy nhiên, thực tế rất khó phân biệt sản phẩm đó ở trong hay ngoài địa phương… Điều này đã gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát sản phẩm động vật. 

Nhận định về khó khăn trong công tác kiểm soát sản phẩm động vật, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm 2019, các địa phương đã kiểm soát được 62.510 con trâu bò; 1,18 triệu con lợn; 12,5 triệu con gia cầm bán ở các chợ. Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý, tình hình buôn bán động vật, sản phẩm động vật ở các chợ tăng khoảng 20%. Thực tế, việc kiểm soát sản phẩm động vật rất khó khăn do chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh còn nhỏ lẻ, số cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn ít.

Để đưa việc kiểm soát sản phẩm động vật vào nền nếp, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, huyện đã tăng cường tuyên truyền việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, nâng cao ý thức cho người dân trong buôn bán sản phẩm động vật, xây dựng chuỗi liên kết truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm. Huyện còn phối hợp với các ngành chức năng của thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định.

Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Sở chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận thường xuyên kiểm tra, giám sát, tham mưu chính quyền địa phương xử lý nghiêm, tiến tới chấm dứt trường hợp kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn nội thành nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển vào thành phố nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại về kiểm soát sản phẩm động vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.