Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo ngại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nhiễm mọt nguy hiểm

Đức Hải| 02/03/2011 19:13

(HNMO)- Tính từ tháng 8-2010, các lô hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) gồm: ngô, khô đậu tương, mạch, kê nhập khẩu từ Ấn Độ vào nước ta liên tục bị Cơ quan kiểm dịch thực vật Việt

Nam phát hiện nhiễm đối tượng dịch hại kiểm dịch thực vật nhóm I của Việt Nam. Nó có tên khoa học là Trogoderma granarium, tên tiếng Anh là khapra beetle, tên Việt Nam là mọt cứng đốt (mọt TG).

Hàng chục nghìn tấn ngô, đậu tương nhiễm mọt TG

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), trong năm 2010 phát hiện 16 vụ với khối lượng gần 27.000 tấn. Sang đầu năm 2011, tiếp tục phát hiện 239 container bị nhiễm TG với khối lượng gần 6.000 tấn. Ông Bùi Sĩ Doanh, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp, số hàng bị nhiễm mọt trên, Cục BVTV đã linh động áp dụng biện pháp tái khử trùng rồi cho nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, Cục này cũng đãgửi 5 thông báo không tuân thủ theo quy định của Công ước quốc tế về BVTV và Tiêu chuẩn quốc tế về kiểm dịch thực vật cho cơ quan BVTV Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. “Gửi kèm các thông báo này đều có sự cảnh báo việc Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp tái xuất các lô hàng nếu tiếp tục bị phát hiện nhiễm mọt TG”, ông Doanh cho biết.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 1-2011, một lượng hàng nhập khẩu lớn gồm ngô và đậu tương với khối lượng lên đến gần 50.000 tấn tiếp tục bị nhiễm mọt TG. Ông Doanh cho biết, số hàng này được nhập khẩu từ Ấn Độ theo hợp đồng mua bán giữa 24 nhà xuất khẩu Ấn Độ và 20 doanh nghiệp Việt Nam. Hàng được chở trong 2 tàu lớn, 106 container. Hiện 2 tàu này vẫn đang neo đậu ngoài cảng Việt Nam, số container hàng đã được bốc dỡ lên cảng Hải Phòng. Thực hiện đúng như thư cảnh báo trước đó, Cục BVTV đã yêu cầu tái xuất số hàng hóa nói trên. Theo ông Doanh, vào giữa tháng 2-2011, đoàn cán bộ của Ấn Độ đi kiểm tra thực tế các lô hàng ngô và đậu tương nói trên và đã công nhận lô hàng gần 50.000 tấn nguyên liệu TĂCN bị nhiễm mọt TG.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đề nghị tái khử trùng số hàng hóa nhiễm mọt TG trên rồi cho nhập khẩu bình thường vào Việt Nam. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận thiện chí, giao cho Cục BVTV xem xét. Song, do số lượng hàng hóa quá lớn, nên việc khử trùng triệt để là rất khó khả thi. Do năng lực khử trùng của các công ty Việt Nam còn hạn chế. Bởi vậy, Cục BVTV đã đề nghị giữ nguyên quyết định tái xuất”.

Không thể không tái xuất

Trước sự mâu thuẫn này, Bộ NN&PTNT đã họp bàn và lấy ý kiến của các bộ, như: Công Thương, Công an, Tư Pháp, Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ. Ông Bùi Bá Bổng cho biết: “Ý kiến của hầu hết các bộ, ngành đều cho rằng, khử trùng không đảm bảo, không quản lý được rủi ro. Hơn nữa, nước ta là 1 nước xuất khẩu nông sản lớn, nên phải lấy yếu tố an toàn làm hàng đầu, tức yêu cầutái xuất”. Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Sĩ Doanh cũng cho rằng, đối chiếu với pháp luật Việt Nam, quyết định tái xuất là phù hợp với pháp luật hiện hành về kiểm dịch thực vật. Song song với đó, cũng phù hợp với quy ước và thông lệ của quốc tế.

Theo Mục a Khoản 2 Điều 18 Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật (năm 2001): “Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật thì được xử lý như sau: Nếu vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật chưa có trên lãnh thổ Việt Nam mà thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam thì không được phép nhập khẩu và phải trả về nơi xuất xứ hoặc tiêu hủy”.

Về nguồn gốc mọt TG, ông Doanh cho biết, loại mọt này có nguồn gốc từ Ấn Độ, là loài côn trùng phá hoại trong kho cực kỳ nguy hiểm, chúng có thể phá hoại trên 100 mặt hàng như lương thực, ngũ cốc, hạt giống, cao su, đồ hộp… Vì vậy, mọt TG nằm trong danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, là đối tượng kiểm dịch quốc tế. “Mọt TG có sức chịu đựng cao ở những môi trường thay đổi lớn, chịu nóng từ 45-50 độ C, chịu lạnh từ -16 đến -18 độ C. Đặc biệt, trong điều kiện không có thức ăn, mọt TG vẫn có thể sống sót được 4-5 năm”, ông Doanh phân tích.


Ở Việt Nam, cho đến nay chưa ghi nhận sự xuất hiện của mọt TG, bởi vậy, đây là đối tượng xâm hại ngoại lai nguy hiểm, nằm trong đối tượng kiểm dịch nhóm I (nguy hiểm) của Việt Nam. Do đó, việc thực hiện tái xuất lô hàng gần 50.000 tấn nguyên liệu TĂCN của Cục BVTV là hợp lý, đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nhiễm mọt nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.