(HNM) - Bệnh dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… không phải là những bệnh truyền nhiễm mới, nhưng đang được Bộ Y tế hướng sự tập trung trong năm 2013, vì lo ngại dịch bệnh tiếp tục bùng phát.
Bốn dịch bệnh cần chú ý đặc biệt
Tại hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến lo ngại về bệnh dại vì đây là loại bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất (98 trường hợp) trong năm 2012. Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh dại đã “nóng” trở lại từ khoảng 5 năm trở lại đây, với số tử vong trung bình mỗi năm đều trên 80 trường hợp. Trong đó, dịch bệnh tập trung ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng… Vừa qua vài tháng đầu năm nhưng tỉnh Sơn La đã có 3 bệnh nhân dại tử vong, gây lo lắng cho cộng đồng.
Các bệnh viện chuẩn bị trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ảnh: Phương An |
Dịch bệnh tay chân miệng năm 2012 cũng diễn biến phức tạp. Cả năm, đã có gần 160 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng và 45 trường hợp tử vong. So với năm 2011, tuy số tử vong đã giảm 2/3, nhưng số mắc lại tăng cao hơn 38%. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình, số mắc tay chân miệng dự kiến sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2013, đặc biệt là thời điểm tháng 4-5 và 8-11 tới đây, do dịch tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp ở các nước lân cận, đó là chưa kể người chăm sóc trẻ chưa có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và thường xuyên rửa tay cho trẻ. Bên cạnh đó, theo ông Bình, việc truyền thông chống dịch thời gian qua chưa "trúng" đối tượng và còn rất chung chung.
Do năm vừa qua dịch sốt xuất huyết giảm 20% so với cùng kỳ, nên giới chuyên môn cũng lo ngại dịch sẽ tăng vào năm 2013 này, vì theo thông thường gần đây, sốt xuất huyết diễn biến theo chiều hướng năm trước giảm thì năm sau lại tăng. Tuy không tăng về số mắc, nhưng năm 2012 có tới 80 ca tử vong do sốt xuất huyết. Ở nhiều bệnh viện địa phương, việc điều trị chống sốc cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng còn chưa hiệu quả, chưa kể bệnh viện thiếu trang thiết bị cần thiết như máy đếm giọt, máy truyền dịch… Theo Bộ Y tế, cùng với bệnh cúm, đây là ba căn bệnh cần tập trung phòng chống trong năm 2013 này.
Nhiều địa phương lo ngại dịch bệnh
TS Lê Thị Song Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng cho biết, theo dõi diễn biến dịch từ năm 2008 cho thấy, số ca mắc tay chân miệng đã tăng vọt vào năm 2012. Trong đó có thời điểm mỗi tháng riêng Hải Phòng có đến 1.500 ca mắc, tương đương 1/10 số mắc cả nước. Điều đáng chú ý là tay chân miệng vốn là bệnh xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh phía Nam (trong khi bệnh viêm não Nhật Bản B lại nhiều hơn ở phía Bắc). Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, điều kiện sống và sinh hoạt của dân cư đã khiến bệnh dịch truyền nhiễm thời gian gần đây đã mất tính chất mùa vụ, xuất hiện quanh năm, tại tất cả vùng, miền.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La thông báo, sau 10 năm, từ năm 2000 có một trường hợp tử vong do dại ở Mộc Châu, đến ngày 24-5-2011 tỉnh Sơn La lại xuất hiện dịch dại ở người và riêng năm 2011, đã có 5 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Năm 2012, số tử vong do dại tăng lên nghiêm trọng, hầu hết các huyện và thành phố trong tỉnh đều có tử vong, nâng số tử vong trong vòng 22 tháng qua riêng do bệnh dại là 30 người. Đáng chú ý có đến 29/30 người tử vong là chưa tiêm huyết thanh và vắc xin kháng dại sau khi bị chó, mèo mang virus dại cắn, cào.
Thống kê của ngành thú y cho thấy, mỗi năm có đến hàng trăm nghìn trường hợp bị chó, mèo cắn, cào cần phải tiêm ngừa. Giá tiêm vắc xin ngừa dại thế hệ mới khá cao nên nhiều người nghèo không có khả năng tiêm ngừa. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Sơn La, hiện trẻ dưới 6 tuổi, có hộ khẩu, có bảo hiểm y tế, có tiếp xúc với chó, mèo nghi dại, người thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn được tiêm vắc xin ngừa dại miễn phí. Tuy nhiên, trước tình hình bệnh dại lan rộng tại nhiều địa phương và số người tử vong do dại tăng mạnh trong những năm qua, các địa phương khác cũng cần đẩy mạnh chính sách tiêm ngừa miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… để phần nào giảm tác hại của căn bệnh đáng sợ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.