Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo ngại "đầu voi, đuôi chuột"

Đà Đông| 31/08/2013 06:30

(HNM) - Trước những thông tin đầy lo ngại về rau nhiễm độc, sữa nhiễm khuẩn, bún chứa chất độc hại… việc TP Hà Nội triển khai Đề án mô hình cải thiện an toàn thực phẩm (ATTP) tại các phường, thị trấn trên địa bàn giai đoạn 2013-2015 trở nên cấp thiết hơn bất cứ lúc nào.

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi lo thường trực của người dân Thủ đô. Nhiều năm qua, tại các kỳ họp HĐND, không ít đại biểu đã lên tiếng chất vấn và đề nghị thành phố có những giải pháp cấp bách để quản lý và cải thiện chất lượng công tác này. Trong tháng 8-2013, UBND TP Hà Nội đã liên tiếp ban hành các văn bản nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.



Được coi như một trong những giải pháp cấp bách nhằm cải thiện chất lượng vệ sinh ATTP, tại ''Đề án triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2013-2015'' yêu cầu 100% các phường, thị trấn sẽ triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống. Điểm nổi bật thu hút được sự chú ý của dư luận tại đề án là mỗi quận, huyện, thị xã sẽ xây dựng thí điểm và duy trì một tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP. Trước mắt, 176 phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã sẽ triển khai thí điểm và với tổng kinh phí dự kiến cho triển khai đề án là 35,7 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi phường, thị trấn sẽ có Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP và mỗi trạm y tế phường, thị trấn có một cán bộ phụ trách hoặc kiêm nhiệm về công tác này. Các phường cũng sẽ thành lập tổ giám sát ATTP dịch vụ ăn uống (3-5 người/tổ).

Gần nhất, vào ngày 23-8, UBND thành phố đã có Chỉ thị số 6162/ UBND-CT về việc tổ chức chỉ đạo đưa hàng bình ổn giá phục vụ trong các bếp ăn tập thể. Theo đó, các nhóm mặt hàng thiết yếu như gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ sẽ nằm trong danh mục hàng bình ổn giá. Hàng bình ổn giá sẽ được mở rộng đưa tới phục vụ các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện, trường học phục vụ đông đảo người dân.

Trong tình trạng mất ATTP trở nên báo động thì việc thành phố ban hành các văn bản và tiến hành các biện pháp siết chặt công tác quản lý lĩnh vực này được đông đảo người dân đánh giá là cần thiết, kịp thời. Bà Vũ Thị Hòa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) trao đổi: "Gia đình chúng tôi thường xuyên mua hàng bình ổn giá tại các siêu thị vì giá cả phải chăng và chất lượng được bảo đảm. Vì vậy, nếu các mặt hàng bình ổn giá mà được đưa tới tận các trường học, các bếp ăn tập thể chúng tôi rất mừng và yên tâm". Chị Vũ Thu Nga, cán bộ của một ngân hàng ở quận Thanh Xuân hy vọng khi đề án được triển khai, gia đình sẽ giải tỏa được nỗi lo tìm chỗ ăn mỗi dịp ra ngoại thành chơi.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hồ hởi, cũng không ít người dân Thủ đô đón nhận các thông tin trên với thái độ dè dặt, thậm chí hoài nghi. Ông Nguyễn Thái Khang, ở quận Đống Đa, cho rằng thời gian qua TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, giám sát về vệ sinh ATTP nhưng kết quả thu được chẳng là bao, chưa cải thiện được tình hình. Trong khi đó, muốn bảo đảm ATTP phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến đến khâu bảo quản. Việc tổ chức các phố vệ sinh ATTP là một chủ trương tốt song việc triển khai nếu không có những bước đi cẩn thận sẽ rất dễ rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".

Những lo ngại trên không hẳn không có cơ sở bởi từ nhiều năm qua, vệ sinh ATTP luôn là vấn đề nóng gây bức xúc trong dư luận và cho đến nay vẫn chưa hề giảm nhiệt. Sau phở có phoóc môn, người ta lại lo sợ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép trong rau, quả rồi đến gà thải, cá nhập lậu, sữa nhiễm khuẩn. Nhiều người khi chẳng may ăn phải thức ăn đường phố đành "khuất mắt trông coi" bởi nếu không sẽ chẳng biết ăn gì. Vậy nên, người dân Thủ đô đặt nhiều kỳ vọng vào bản đề án mới, mong đợi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương nhằm nỗ lực cải thiện mức độ ATTP - yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực xây dựng, phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại "đầu voi, đuôi chuột"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.