Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo lắng về lòng tự trọng

Thủy Tiên| 07/12/2014 05:50

(HNM) - Câu chuyện về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP sau nhiều tranh cãi trên các trang mạng đã có kết luận cuối cùng của Bộ VH-TT&DL. Vụ việc không quá lớn nhưng nếu xem xét một cách thấu đáo thì có thể thấy đằng sau nó lại là ba vấn đề lớn của xã hội. Đó là tính sáng tạo, bản quyền trí tuệ và đáng nói nhất là lòng tự trọng.


Lòng tự trọng hiểu một cách ngắn gọn là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình, là ý thức coi trọng giá trị bản thân. Người có lòng tự trọng luôn biết điều chỉnh, thái độ hành vi ứng xử của mình, biết nên làm gì và không nên làm gì. Những việc làm do thiếu lòng tự trọng, tùy theo mức độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân người đó hay cả cộng đồng. Đơn cử như những hành vi chen ngang khi làm thủ tục ở sân bay, lấy quá nhiều thức ăn ở tiệc nhưng bỏ dở không ăn hết đã làm xấu hình ảnh người Việt trong mắt người nước ngoài. Gần đây, các phương tiện truyền thông đưa đậm về một số cán bộ đã nghỉ hưu nhưng không trả lại nhà công vụ, việc làm đó dù một phần do lỗi của cơ quan quản lý song dư luận cũng phê phán đó là do thiếu lòng tự trọng vì nhà công vụ là nhà của Nhà nước. Chính sự thiếu tự trọng của một số ít cán bộ khiến lòng tin của nhân dân bị giảm sút. Tại rất nhiều kỳ họp của Quốc hội, trước hiện tượng có một số ngành, đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm nhưng thủ trưởng của các cơ quan đó vẫn ung dung tại vị, nhiều đại biểu đã đề cập đến văn hóa từ chức. Nói một cách khác, các đại biểu phê phán sự thiếu tự trọng của những cán bộ khi không những đã không làm được gì nhiều cho dân, cho nước lại còn để xảy ra sai phạm.

Vì sao lòng tự trọng của không ít cá nhân trong xã hội ngày càng giảm sút? Có rất nhiều nguyên nhân song nguyên nhân chính là thiếu giáo dục hoặc có giáo dục nhưng không đến nơi đến chốn. Lâu nay trong giáo dục phổ thông, chúng ta vẫn coi trọng dạy kiến thức hơn giáo dục nhân cách, kỹ năng sống và khơi gợi tư duy sáng tạo. Vì thế mà Đảng ta mới ra nghị quyết về đổi mới giáo dục toàn diện. Giáo dục tại gia đình hiện cũng có vấn đề, các cụ xưa dạy con cháu qua ca dao, thành ngữ "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "Miếng ăn quá khẩu thành tàn", "Giấy rách phải giữ lấy lề"… Cùng với dạy, các cụ còn làm gương cho con cháu. Tuy nhiên giáo dục trong gia đình bây giờ có những bất cập vì không ít giá trị bị đảo lộn và người lớn không còn là tấm gương. Còn giáo dục cộng đồng thì nhờ có internet nên các hành vi như: Ca sĩ, diễn viên ăn mặc phản cảm, "người của công chúng" phát ngôn lệch lạc ngay lập tức xuất hiện và lan tỏa trên các trang mạng xã hội. Phê phán không có nghĩa là phủ nhận, ngược lại nó làm cho đối tượng bị phê phán căn chỉnh lại hành vi, lời ăn tiếng nói cho phù hợp với chuẩn mực của xã hội và các quy định của pháp luật. Phu nhân của cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt có nói một câu rất hay: "Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn". Câu nói có hàm nghĩa đề cao vai trò tự ý thức, tự nhìn nhận và đánh giá đúng bản thân, ý thức coi trọng bản thân. Đó chính là lòng tự trọng, một bản chất tốt đẹp của con người.

Lòng tự trọng tỷ lệ thuận với giá trị nhân văn trong xã hội. Lòng tự trọng giảm điều đó cũng có nghĩa là giá trị nhân văn sẽ giảm và một khi giá trị nhân văn giảm đi đồng nghĩa với sự lo lắng của cộng đồng sẽ tăng lên. Để lấy lại lòng tự trọng, ngoài giáo dục thì bản thân mỗi con người phải tự ý thức được, làm chủ hành vi của mình. Tự ý thức không chỉ làm đẹp cho bản thân mà còn lớn hơn là giữ gìn, phát huy nhân cách truyền thống Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo lắng về lòng tự trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.