(HNM) - Quy định về kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm rất rõ ràng. Tuy nhiên, do nhiều lỗ hổng và hạn chế trong công tác quản lý, xử phạt dẫn tới việc kiểm soát lĩnh vực này còn khá gian nan.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, chế tài xử lý vi phạm đã rõ, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn thành phố vẫn đang là thách thức không nhỏ. Hiện nay, tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y vẫn diễn ra khá phổ biến. Toàn TP Hà Nội hiện có 1.070 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nhưng chỉ có 116 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động. Trong khi đó, lực lượng thú y Hà Nội mới chỉ kiểm soát được khoảng 55% số sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ trên thị trường.
Thừa nhận hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đang tràn lan khắp địa bàn huyện, ông Vương Xuân Thạch, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sóc Sơn bức xúc: Do chính quyền cơ sở chưa quyết liệt dẹp bỏ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nên lực lượng thú y phải “dàn” quân để kiểm soát, nhưng mỗi cơ sở cũng chỉ được từ 2 đến 10 con lợn/ngày. Đáng nói, các nhà hàng, khách sạn, trường học, bếp ăn tập thể… trên địa bàn huyện chưa chú trọng chọn mua sản phẩm động vật có dấu kiểm dịch, mà vẫn chỉ dừng ở việc kiểm tra giấy tờ ban đầu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cung ứng. Đây là kẽ hở lớn tiếp tay cho các đơn vị làm ăn gian dối, trà trộn hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Không chỉ khó khăn trong kiểm soát giết mổ, hiện TP Hà Nội còn phải đối mặt với việc quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm vào thành phố. Theo quy định, hiện nay chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, thành phố. Vì thế, khi phát hiện người bán không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh, thành phố thì cán bộ thú y không có cơ sở kiểm tra, xử lý. Đây là thực trạng đáng lo bởi tình trạng bán thịt gia súc, gia cầm ngoài khu vực chợ hoặc trong khu dân cư khá nhiều, ý thức chấp hành quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, thậm chí còn thủ đoạn buôn gian bán lận thì khó có thể bảo đảm nguồn hàng là an toàn cho người sử dụng.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay: Việc bãi bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh, thành phố chỉ phù hợp khi trình độ chăn nuôi phát triển, các doanh nghiệp sản xuất khép kín, đăng ký mã vùng, mã vạch để truy xuất nguồn gốc, chịu trách nhiệm về sản phẩm... Còn với thực trạng chăn nuôi hiện nay ở nước ta, cộng với thói quen sử dụng các sản phẩm không có dấu kiểm dịch, hoặc không rõ nguồn gốc thì việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, thành phố là một thách thức lớn.
Do đó, để công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm đi vào nền nếp, nhiều ý kiến cho rằng, phải đẩy mạnh quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng tập trung. Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị gian lận. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đối với hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây hại cho sức khỏe cộng đồng, cần có chế tài xử lý hình sự đủ sức răn đe. Đồng thời, tăng cường tập huấn, đầu tư trang thiết bị kiểm dịch cho cán bộ thú y trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.