Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗ giả, lãi thật

Người quản lý| 09/08/2011 07:13

(HNM) - Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2011, ngành đã ra quyết định xử lý 107 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khai lỗ nhiều năm liên tiếp. Qua đó, ngành thuế đã kiến nghị giảm lỗ, giảm khấu trừ thuế 2.230,6 tỷ đồng.


Bộ Tài chính cũng vừa dự kiến sẽ kiểm tra hàng nghìn DN FDI báo cáo lỗ trong năm 2010, nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng báo lỗ giả để trốn thuế thu nhập DN. Nếu vấn đề này được thực hiện triệt để, việc thu hồi cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế là điều có thể. Thực tế, đầu năm nay Bộ này đã kiểm tra hơn 80 DN FDI thường xuyên báo cáo lỗ. Sau khi danh sách được công bố, nhiều DN đã "đảo ngược tình thế".

Trong SXKD không phải lúc nào cũng thuận lợi, do đó lãi, lỗ cũng là lẽ bình thường. Nhưng, có đến một nửa số DN FDI liên tục báo cáo thua lỗ nhiều năm liền lại là việc đáng xem xét. Hơn nữa, các DN này báo thua lỗ, nhưng quy mô SXKD của họ lại được mở rộng, phát triển. Một cán bộ ngành thuế cho biết, có không ít DN FDI trong nhiều năm liền giá xuất khẩu sản phẩm thể hiện trên các chứng từ chỉ bằng một nửa hay một phần ba giá thành, dẫn đến tổng số lỗ lũy kế lên đến hàng trăm tỷ đồng và cho đến khi ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, nhiều DN mới thừa nhận giá xuất khẩu cao hơn giá thành, sau đó mới chịu nộp thuế. Vấn đề là ngành thuế - cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, có biết hay không, hay đã biết mà làm ngơ? Việc tìm ra các "chiêu" mà nhiều DN FDI sử dụng để biến lãi thành lỗ nhằm trốn thuế không khó. Bởi, có không ít DN FDI ở Việt Nam, dù có pháp nhân độc lập, nhưng thực chất hoạt động như một nhà máy sản xuất của công ty mẹ ở nước ngoài. Với mối quan hệ này, DN FDI ở Việt Nam dễ dàng khai khống giá nguyên liệu mua từ công ty mẹ và hạ thấp giá thành phẩm khi xuất khẩu qua công ty mẹ để chuyển lợi nhuận bất hợp pháp ra nước ngoài. Tình trạng các DN FDI không trung thực không chỉ làm cho nước ta thất thu khoản thuế lớn, mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả với nền kinh tế (tạo ra số liệu ảo về nhập siêu, làm méo mó số liệu thống kê, làm giảm sức cạnh tranh của DN trong nước...). Thực tế trên đã cho thấy lỗ hổng về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Vậy, còn chờ gì nữa, cần sớm kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời những DN FDI báo cáo lỗ giả lãi thật để lấp những lỗ hổng nói trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ giả, lãi thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.