Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lò gạch thủ công vẫn “nhả khói”

Bài, ảnh: Thúy - Hằng| 10/06/2013 07:24

(HNM) - Thực hiện chủ trương của thành phố, UBND huyện Chương Mỹ đã xây dựng kế hoạch để trong năm 2012, sẽ hoàn tất việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện.


Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ, đến nay trên địa bàn huyện còn 36 lò gạch thủ công, trong đó riêng xã Đông Phương Yên có tới 30 lò đang hoạt động...

Hàng chục lò gạch ở xã Đông Phương Yên vẫn đều đặn “nhả khói”.



Sáng 4-6, có mặt tại xứ Đồng Xa, khu vực sản xuất gạch thủ công ở xã Đông Phương Yên, chúng tôi không khỏi giật mình vì hàng chục lò gạch vẫn đang nhả khói vào không trung. Xe tải, xe công nông, máy xúc, máy ủi... nối đuôi nhau ra, vào khu sản xuất gạch. Hàng chục người lao động mải miết chuyển gạch vào lò, trộn, đúc than. Cả cánh đồng hơn chục héc ta như đại công trường nung đốt gạch, nhiều bãi đất rộng chứa hàng trăm kiêu gạch mộc với số lượng rất lớn cho thấy ở đây chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc dừng sản xuất. Để tránh lộ liễu, các xe chở gạch thành phẩm ra khỏi khu vực sản xuất đều trùm bạt kín mít, không công khai như những tháng cuối năm 2012...

Lật giở những trang hồ sơ sử dụng đất của các chủ lò gạch, chúng tôi nhận thấy: Năm 2003, HTX Nông nghiệp Đông Phương Yên lập dự án chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, khó canh tác sang mô hình lúa, cá, vịt, đốt gạch… Ngày 26-12-2003, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành quyết định cho phép UBND xã Đông Phương Yên được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đất một vụ lúa và đất đồi gò chưa sử dụng với diện tích 187.200m2 sang sản xuất lúa, cá và chăn nuôi gia cầm, trong đó được phép tận dụng đất thừa để sản xuất vật liệu xây dựng. Ngay sau đó, HTX Nông nghiệp Đông Phương Yên đã ký hợp đồng giao thầu đất cho 7 hộ gia đình cũng với mục đích sử dụng như trên, thời hạn đến năm 2013. Theo phản ánh của người dân địa phương, sau khi hợp đồng được ký kết, cả 7 hộ gia đình này đều xây lò, sản xuất gạch theo phương thức thủ công, chứ không hề trồng lúa, nuôi thả cá và chăn nuôi gia cầm. Điều này đúng với những gì chúng tôi cũng ghi nhận được khi trên cánh Đồng Xa xuất hiện rất nhiều thùng, vũng - hậu quả của quá trình đào múc đất làm gạch và tuyệt nhiên không nhìn thấy màu xanh của lúa, hay bóng dáng của chuồng trại gia cầm, nuôi thả cá...

Thực hiện kế hoạch của UBND TP và huyện Chương Mỹ về xóa lò gạch thủ công trong năm 2012, đến nay xã mới giải tỏa được 4 lò ở khu Đồng Rồi và Đồng Đường, còn 30 lò ở Đồng Xa chưa thể giải tỏa... Về nguyên nhân không xóa được lò gạch thủ công, ông Nguyễn Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên lý giải: "Đến năm 2013 các hợp đồng giao thầu đất mới hết hạn, đồng thời các chủ lò xin được gia hạn đến hết tháng 11-2013 vì họ đã đầu tư quá nhiều kinh phí xây dựng". Khi được hỏi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xóa lò gạch thủ công trên địa bàn, ông Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên lên giọng: Hỏi gì mà hỏi. Lắm chuyện…

Thông qua cán bộ chức năng, chúng tôi có được một số bản sao "Biên bản thanh lý hợp đồng" do UBND xã Đông Phương Yên và các chủ được giao thầu ký kết. Theo đó, các bên đã thống nhất đến 30-3-2013, các chủ lò tự giác tháo dỡ toàn bộ lò gạch thủ công, nếu chủ lò không tự giác tháo dỡ thì cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế… Biên bản là vậy, nhưng UBND xã Đông Phương Yên lại có Tờ trình gửi Sở Xây dựng TP Hà Nội và các phòng, ban chức năng huyện Chương Mỹ với nội dung "Đề nghị tạo điều kiện cho giãn thời gian tháo dỡ lò gạch đến hết 30-11-2013 và năm 2016..."(?).

Về vấn đề trên, ông Trịnh Duy Oai, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Tháng 6-2013, UBND huyện sẽ tổ chức tháo dỡ nốt số lò gạch thủ công trên toàn địa bàn huyện; đề nghị giãn tiến độ tháo dỡ lò gạch của UBND xã Đông Phương Yên không được chấp thuận bởi lý do không thuyết phục".

Được biết, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép một số huyện thực hiện chuyển đổi sản xuất gạch nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường sang áp dụng lò nung quy mô nhỏ theo công nghệ xử lý khói thải, trong đó có huyện Chương Mỹ. Và theo đề xuất của huyện Chương Mỹ thì xã Đông Phương Yên là địa phương được sản xuất gạch theo công nghệ này, song trước khi áp dụng công nghệ mới, các lò gạch thủ công phải được tháo dỡ triệt để. Vậy, thiết nghĩ việc tháo dỡ lò gạch thủ công tại xã Đông Phương Yên không thể trì hoãn mà phải thực hiện đúng kế hoạch UBND TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ đã xác định. Vấn đề này được thực thi còn thể hiện sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lò gạch thủ công vẫn “nhả khói”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.