Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Lò đã nóng, củi đã cháy", không ai có thể nói khác, làm khác

Hà Vũ| 30/06/2022 14:08

(HNMO) - Tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 diễn ra sáng 30-6, đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương không chỉ thể hiện sự nhất trí cao về những kết quả đột phá, ấn tượng, nổi bật của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Trung ương Đảng khởi xướng; mà còn bày tỏ quyết tâm xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cam kết chính trị và khẳng định rằng "lò đã nóng, củi đã cháy", không ai có thể nói khác, làm khác.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào cách mạng

Với trách nhiệm là thành viên của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nỗ lực cao nhất thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của mình; huy động sức mạnh của nhân dân tích cực tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã đạt được kết quả rất quan trọng, thật sự “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”; thể hiện ý chí cách mạng tiến công và quyết tâm chính trị cao của Đảng ta; ý Đảng hòa quyện với lòng dân.

Nhiều thành viên trong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhiều lần nhắc lại ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phong trào phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào cách mạng, xu thế tất yếu không thể đảo ngược, lò đã nóng, củi đã cháy, không ai có thể nói khác, làm khác được.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, bày tỏ niềm tin yêu và kính trọng đối với tấm gương mẫu mực của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tin tưởng sâu sắc các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục thể hiện bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, nêu gương để quy tụ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ, một ý chí chiến đấu và từng bước giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh cam go, gian khó với tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ nỗ lực hơn nữa khơi dậy, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu là làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, quan liêu, lãng phí; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha rọi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí còn chỗ ẩn nấp.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao:
Đổi mới tư pháp, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả

Qua thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phát hiện hoạt động quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực còn để xảy ra sơ hở, thiếu sót, vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới trật tự quản lý hành chính nhà nước, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng. Viện Kiểm sát đã thực hiện quyền kiến nghị của mình để phòng ngừa, khắc phục vi phạm.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền kiến nghị của Viện Kiểm sát còn rất hạn chế; thậm chí còn không thể tự mình đưa vụ việc vi phạm ra xét xử mà phải thông qua việc khởi kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có lợi ích bị xâm hại.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khi phát hiện vi phạm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, Viện Kiểm sát với tư cách chủ thể bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng có quyền kiến nghị khắc phục vi phạm, hậu quả xảy ra; nếu cơ quan quản lý và cá nhân không khắc phục vi phạm, Viện Kiểm sát có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa đưa ra phán quyết.

Đối với những trường hợp cố ý sai phạm nhưng chủ động khắc phục thì tạo điều kiện cho khắc phục; trường hợp khắc phục không tốt mới tiến hành khởi tố, điều tra, xét xử hình sự. Đây là phương thức đổi mới tư pháp được áp dụng hiệu quả tại Trung Quốc từ năm 2017 đến nay.

Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị Trung ương có chủ trương giao cho Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nghiên cứu, đề xuất theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Làm như vậy, chúng ta sẽ thu hồi được tài sản nhà nước bị thất thoát, việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm chủ động khắc phục để họ không phải xử lý hình sự.

Đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Cố gắng hết sức mình để luôn xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” của Đảng

Ngành Kiểm tra Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình để luôn xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” của Đảng với phương châm “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”.

Để đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, chủ động đi trước, mở đường, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, cần khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực đang nóng hiện nay như vấn đề định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện nghiêm về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu nơi để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực...

Kiểm tra, kỷ luật của Đảng đi trước, mở đường đã, đang là bài học thực tiễn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này cũng đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xác định đây là công việc hệ trọng được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không tự thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an:
Còn Đảng thì còn mình, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Đảng ủy Công an Trung ương sẽ tiếp tục nhận thức sâu sắc, quán triệt nghiêm túc và xuyên suốt các nguyên tắc, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục thực hiện tốt đồng thời cả công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TƯ ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương cho rằng, thực tiễn 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mặc dù đã đồng bộ, quyết liệt, tuy nhiên, một số trường hợp vẫn chưa biết sợ như việc xử lý những vụ việc, vụ án lợi dụng công tác phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi vừa qua. Chúng tôi kiến nghị, công tác kiểm tra khi đã phát hiện hành vi vi phạm thì phải kiểm tra cả việc thực hiện yêu cầu khắc phục; qua đó để ngăn chặn sai phạm nhỏ phát sinh thành sai phạm lớn, dẫn tới phải xử lý hình sự.

Ngoài ra, trong phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã nhận diện ra những nhóm luật pháp hiện nay đang có sơ hở, tồn tại. Do đó, cần tiến hành ngay việc sơ kết, tổng kết để chỉ ra những nhóm pháp luật nào có hạn chế, từ đó vừa cảnh báo, vừa bắt tay vào sửa chữa ngay để phòng ngừa.

Đồng thời, chúng tôi đề nghị đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển dữ liệu dân cư, xác thực định danh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm thủ tục hành chính, giấy tờ và ngăn ngừa tham nhũng vặt.

Đảng ủy Công an Trung ương luôn nhận thức rõ trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó; trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, luôn nhận thức đúng quan điểm còn Đảng thì còn mình, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất để quyết tâm hoàn thành xuất sắc công việc được giao, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh:
Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tự quản bản thân

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, từ đó nâng cao nhận thức về sự quan trọng, cần thiết của công tác này; tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào nền nếp, thực chất, gắn với thực hiện chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ của cán bộ, xem đây là cam kết chính trị đối với Đảng và nhân dân, là vinh dự của người cán bộ.

Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải định vị lại bản thân một cách đầy đủ nhất về con đường của mình đã chọn, từ đó tự quản bản thân, tự tu dưỡng theo tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tinh thần này đã được đồng chí Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh quán triệt chung trong hội nghị cán bộ và nhận được sự đồng thuận rất lớn của cán bộ đương chức và nghỉ hưu.

Chúng tôi cũng sẽ phát huy sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Trong đó, thành phố tập trung vào công tác rà soát, khắc phục những kẽ hở, bất cập, triển khai các giải pháp phòng, ngừa, làm tốt công tác điều phối, kiểm tra, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án. 

Tôi tin tưởng rằng, qua hội nghị này, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt được những kết quả toàn diện, vững chắc hơn, góp phần chỉnh đốn, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:
Báo chí phải đổi mới để phát huy vai trò phòng, chống tham nhũng

Với vị thế là cơ quan chính trị của Đảng, cơ quan nhà nước, là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là tiếng nói, diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, có đối tượng công chúng đông đảo, thông tin báo chí tác động đến mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội.

Với đặc trưng thông tin là công khai và thời sự, báo chí luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin phát ngôn chính thống, tin cậy cho công chúng. Đó cũng là lý do bảo đảm cho báo chí khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội nói chung và đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Một thực tế đang xảy ra cả trên thế giới và Việt Nam hiện nay là có quá nhiều thông tin tiêu cực trên báo chí đang khiến độc giả, khán thính giả xa lánh tin tức.

Nếu không có biện pháp mau chóng, báo chí sẽ mất đi độc giả, khán thính giả và không làm tốt được sứ mạng của mình là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, không thể tham gia định hướng xã hội bằng dòng thông tin chủ lưu và phát huy được sức mạnh của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lò đã nóng, củi đã cháy", không ai có thể nói khác, làm khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.